Cây râu mèo – Đặc điểm, tác dụng, cách dùng và ý nghĩa
Cây râu mèo là cái tên khiến người ta liên tưởng tới vẻ đẹp đáng yêu và ngộ nghĩnh của những chú mèo. Loài cây này chính là một trong những loài cây được rất nhiều người yêu thích dùng làm thảm hoa trang trí, ngoài ra cây còn có nhiều công dụng trong việc điều trị một số bệnh ở người. Đọc ngay bài viết sau để tìm hiểu về đặc điểm mô tả cây râu mèo, tác dụng, cách sử dụng và ý nghĩa loài thực vật này.
Mô tả cây râu mèo
Cây râu mèo có danh pháp khoa học là orthosiphon stamineus benth, thuộc họ Lamiaceae (Hoa Môi). Tại nước ta, loại cây này có tên gọi khác là cây mao trao thảo hoặc cây bông bạc. Đặc điểm mô tả cây râu mèo dễ nhận biết:
Thuộc nhóm cây có thân thảo, sinh trưởng chủ yếu trong môi trường nhiệt đới, chiều cao khoảng 30 – 60cm. Thân cây có nhiều rãnh dọc, ít khi phân nhánh, toàn bộ bề mặt bị bao phủ bởi một lớp lông mềm, mịn. Khi non thì thân cây có màu xanh lục và khi già thì chuyển dần sang màu tím. Lá râu mèo là dạng lá lớn, mọc đối xứng hai bên, cuống lá ngắn, một chiếc lá trưởng thành sẽ có chiều dài khoảng 5 – 6cm, chiều rộng khoảng 2 – 3cm, mép lá có nhiều răng cưa, hai mặt lá có màu xanh đậm. Gân lá nổi rõ lên trên bề mặt và có nhiều lông.
Hoa mọc tập trung thành cụm ở đầu cành và ngọn, mọc theo hình vòng tròn, hoa có hai màu sắc là tím và trắng trông rất đẹp mắt. Nhị hoa và nhụy hoa dài hơn cánh hoa, nhụy chứa bao phấn màu tím, đế hoa có lá bắc bao phủ. Tràng hoa có hình ống, đài hoa có 5 răng. Quả sẽ sinh trưởng ngay sau khi thụ phấn thành công, quả có hình vuông, kích thước nhỏ, lớp vỏ bên ngoài nhăn.
Cây râu mèo là giống cây cho quả hằng năm, chúng có khả năng tái sinh bằng hạt nhưng tỷ lệ nảy mầm lại khá thấp. Loại cây này chủ yếu tái sinh bằng cành, thích hợp sống trong nhiều loại đất khác nhau nhưng lại không chịu được ngập úng trong thời gian dài. Thông thường, người dân thường thu hoạch quả vào tháng 9 hằng năm, thu hái để làm dược liệu ngay khi hoa vừa ra, bởi lúc cây đang phát triển khỏe mạnh sẽ có hàm lượng dược tính cao nhất.
Cây râu mèo mọc ở đâu?
Trên thế giới có khoảng hơn 40 loại cây trong chi orthosiphonis (Râu Mèo), chúng phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của Châu Á và Châu Phi. Đặc biệt, Đông Nam Á được xem là nơi tập trung các giống cây này với số lượng cao, trong đó có tới 8 loài sinh trưởng chủ yếu ở miền nam Việt Nam. Tuy tại nước ta trồng rất nhiều loài cây này nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho việc sử dụng trong nước nên vẫn phải nhập khẩu rất nhiều từ Campuchia và Trung Quốc. Do đó, việc cây râu mèo mọc ở đâu là điều mà rất nhiều người quan tâm.
Tại Châu Á, cây có trữ lượng lớn tại Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Tại Việt Nam, cây phân bố rải rác ở Kiên Giang (Phú Quốc), Ninh Thuận (Phan Rang), Phú Yên (Tuy Hòa), Lâm Đồng, Hà Nội (Ba Vì), Thanh Hóa (Vĩnh Lộc), Cao Bằng,… Cây ưa ánh sáng, ưa ẩm, sống trong môi trường râm mát, thường mọc nhiều ở những vùng đất ven rừng hoặc gần mặt nước. Cây sinh trưởng rất mạnh vào mùa xuân và mùa hạ, tàn vào mùa đông.
Cây râu mèo có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, vị thuốc râu mèo có vị ngọt, nhạt, đắng nhẹ và tính lương, có công dụng giảm đau, lợi tiểu, hạ hỏa, giải độc và thanh nhiệt. Chủ trị rối loạn tiêu hóa, gout, đau khớp, phù thũng, tiểu tiện không thông và sỏi thận. Vị thuốc này góp mặt trong nhiều bài thuốc điều trị viêm bàng quang mãn tính, viêm thận cấp, viêm túi mật, sỏi túi mật, sỏi thận, giúp thông mật, lợi tiểu, trừ thấp, thanh nhiệt, lợi niệu. Vậy theo y học hiện đại, cây râu mèo có tác dụng gì?
Theo nhiều nghiên cứu, bên trong cây râu mèo có chứa các hợp chất hóa học rất phong phú như: Kali, muối vô cơ, axit lactic, axit xitric, axit hữu cơ glicozit, triterpenoids, choline, flavonoid, betaine, orthosiphon, escin, quercetin 3-O-b-glucoside, orthosiphonin, kaempferol 3-O-b-glucoside, glucose, dầu béo, saponin, tanin và tinh dầu. Dựa vào các thành phần hóa học này và một số nghiên cứu ống nghiệm về loại dược liệu này thì cây râu mèo có công dụng giảm lượng ure, clorua và axit uric trong cơ thể, giảm đau nhức, giúp thông tiểu, kháng viêm.
Ngoài ra, vị dược liệu này còn có thể ngăn ngừa và điều trị mụn, giúp tăng sức đề kháng, chống sự oxy hoá và các gốc tự do, bảo vệ gan bị tổn hại, trị đái tháo đường, giúp hạ đường huyết, làm giảm tần số hô hấp, hạ huyết áp, giảm hậu gánh của tim và lợi tiểu, làm giãn mạch, phòng và điều trị sỏi thận, làm kiềm hóa máu, tăng cường bài tiết nước tiểu và các chất điện giải.
Cách sử dụng cây râu mèo
Cây râu mèo có thể được sử dụng bằng nhiều cách, mỗi cách lại có liều lượng khác nhau, tùy theo cơ địa, tình trạng bệnh và mục đích sử dụng. Dược liệu này có thể được sử dụng dưới dạng thuốc bôi, thuốc sắc, tán bột để pha nước uống hoặc nấu cao lỏng, sử dụng dược liệu dưới dạng khô hoặc tươi. Cách sử dụng cây râu mèo hiệu quả nhất như sau:
Dùng toàn cây: Dùng với liều lượng 30 – 50g/1 ngày và chỉ dùng dưới dạng khô.
Dùng mỗi lá: Sử dụng khoảng 5 – 12g/1 ngày và chỉ dùng dưới dạng tươi.
Dùng dưới dạng cao lỏng: Dùng 3 – 5g mỗi ngày.
Cách dùng vị dược liệu này phổ biến nhất chính là pha trà uống: Pha các dạng dược liệu với liều lượng như trên với nửa lít nước sôi trong khoảng 10 – 15 phút. Chia lượng nước này làm 2 lần và uống liên tục trong 10 ngày, sau đó dừng 2 – 4 hôm rồi tiếp tục.
Tùy từng bệnh mà chúng ta sẽ có những bài thuốc kết hợp với các loài dược liệu khác.
Lưu ý khi dùng vị thuốc cây râu mèo
Để sử dụng vị thuốc này một cách an toàn thì chúng ta cần sử dụng đúng và đủ liều lượng như trên. Lưu ý khi dùng vị thuốc cây râu mèo gồm:
- Phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tuyệt đối không được sử dụng vị thuốc này.
- Ở liều lượng an toàn, vị thuốc này không có độc, tuy nhiên nếu sử dụng với liều lượng cao sẽ làm mất cân bằng ion và các chất hóa học khác.
- Trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Ý nghĩa hoa râu mèo
Với vẻ đẹp bên ngoài đáng yêu và ngộ nghĩnh thì loại cây này vô cùng thích hợp để làm thảm cỏ trang trí. Khác với các loài hoa khác, hoa râu mèo không gây ấn tượng ngay mà chúng mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, chỉ có ai thực sự yêu thích sự đơn giản và nhẹ nhàng mới có thể nhận ra. Loài hoa này sẽ vô cùng thích hợp cho những người bận rộn, không có quá nhiều thời gian trong việc chăm sóc cây cối bởi sức sống mãnh liệt kể cả những khi không được chăm sóc hằng ngày.
Ý nghĩa hoa râu mèo chính là sự vươn lên không ngừng nghĩ, sự thịnh vượng và tương lai rộng mở. Râu mèo vốn dĩ là một loài cây dại, chúng có sức sống vô cùng mãnh liệt, thích nghi trong nhiều kiểu môi trường, vì vậy chúng là biểu tượng của sự vươn lên trong cuộc sống. Từ dáng vẻ bên ngoài, màu sắc của hoa, người ta luôn tin rằng cây sẽ mang tới cho người trồng sự thịnh vượng và may mắn. Hoa càng nở rộ thì gia chủ càng nhận được nhiều may mắn, niềm vui và sự hạnh phúc.
Nhiều nhà thực vật học cũng đã đánh giá, cây râu mèo chính là loại cây thân thiện với môi trường, khi gặp sâu bệnh, cây sẽ tự sinh ra chất kháng bệnh và không cần con người phải sử dụng tới thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, đây xứng đáng là một giống cây cảnh phù hợp để trang trí nhà cửa cho những gia chủ bận rộn.
Hình ảnh cây râu mèo
Để nhận biết được chính xác loại cây này với các cây khác trong cùng họ, cùng Elead chiêm ngưỡng một số hình ảnh cây râu mèo dưới đây:
Trên đây là toàn bộ thông tin về đặc điểm mô tả cây râu mèo, tác dụng, cách sử dụng và ý nghĩa loài thực vật này. Hy vọng bài viết này hữu ích cho cuộc sống của bạn, cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!
Xem thêm: Cây nhất chi mai – Đặc điểm, các thế cây, ý nghĩa, cách trồng
Sinh Vật Cảnh -Cây nhất chi mai – Đặc điểm, các thế cây, ý nghĩa, cách trồng
Cây ngũ trảo – Đặc điểm, tác dụng, cách dùng và cách trồng
Cây nghệ – Đặc điểm, phân loại, công dụng và bộ phận dùng
Cây ngải dại – Đặc điểm, công dụng, cách dùng và hình ảnh
Cây mua – Đặc điểm, phân loại, tác dụng và hình ảnh
Cây me tây là cây gì? Tác dụng, ý nghĩa và đặc tính gỗ me tây
Cây lục bình – Đặc điểm, phân loại, tác dụng và cách trồng