Cây tỏi – Đặc điểm, công dụng, cách trồng và giá trị kinh tế
Tỏi là loại gia vị thông dụng trong tất cả các căn bếp của người Việt Nam. Hơn hết, cây tỏi cũng là một loại cây thuốc có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người, chúng được biết tới là vị thuốc có tác dụng chống ung thư, chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hoá. Đọc ngay bài viết sau để tìm hiểu thông tin về đặc điểm, công dụng, giá trị kinh tế và cách trồng cây tỏi.
Đặc điểm thực vật cây tỏi
Cây tỏi có tên khoa học là allium sativum (L), thuộc họ Alliaceae (Hành), tại nước ta chúng còn được biết tới với nhiều tên gọi khác như cây ssluôn (Tày), co sluốn (Thái) hoặc cây đại toán. Đặc điểm thực vật cây tỏi:
Đây là giống cây hằng niên, thân thảo, chiều cao trong khoảng 30 – 40cm. Thân cây ngắn, có hình giống tòa tháp, được chia thành nhiều hành con khác nhau có hình tam giác, gọi là ánh tỏi. Ánh tỏi có kích thước không đều, mọc sát nhau theo hình tròn, mỗi ánh tỏi lại được phân tách nhau bằng lớp vỏ mỏng, màu trắng hoặc hơi hồng tùy theo môi trường sống. Lá tỏi có hình mũi mác, nhọn ở đầu, mỏng, dài, hai mặt nhẵn bóng, mép lá không có răng cưa; bẹ lá to, dài, màu trắng. Hoa mọc thành cụm ở ngọn, bên ngoài được bao phủ bởi lớp lá mo dài, hoa có màu hồng hoặc màu trắng, cuống hoa dài. Một bông hoa sẽ có 6 cánh hoa, 6 nhị, chỉ nhị dài và dính liền vào cánh hoa, các cánh hoa có hình mũi mác.
Quả tỏi là dạng quả nang, bên trong có chứa nhiều hạt, mùa hoa quả bắt đầu vào tháng 8 và kết thúc vào tháng 11 hằng năm. Bộ phận thường được sử dụng chính là phần thân hình tháp, còn được gọi là củ tỏi. Thực chất, phần thân này có chức năng dự trữ chất dinh dưỡng giống các loại rễ củ của cây sắn, khoai, bên trong chúng chứa khoảng 8 – 20 hành con. Ánh tỏi bên trong có thể dễ dàng tách ra khỏi vỏ, chứa nhiều nước, tinh dầu nên có mùi thơm, lưu hương lâu, vị hăng.
Công dụng của củ tỏi trong y học
Củ tỏi có nhiều công dụng trong ẩm thực và y học. Trong ẩm thực, tỏi là một loại gia vị có công dụng làm dậy mùi thơm cho món ăn. Trong y học cổ truyền, củ tỏi đã được sử dụng từ lâu để điều trị rối loạn tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiết niệu và điều trị chứng khó tiêu, giúp lợi tiểu, tráng dương, an thần, hạ sốt, tiêu thực. Theo nhiều nghiên cứu của y học hiện đại, bên trong củ tỏi có chứa glycosides, sulfur, photpho, magie, mangan, kali, canxi, sắt, vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), carbohydrates, protein, chất chống oxy hóa và enzyme,…
Các hợp chất này đã được công bố là có công dụng hạ huyết áp, kháng nấm, kháng khuẩn, bảo vệ và chống xơ vữa động mạch, chống đái tháo đường, chống oxy hóa và chống ung thư. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu y học cũng đã chỉ ra, việc ăn tỏi hằng ngày với liều lượng phù hợp sẽ có công dụng chống lại các bệnh truyền nhiễm, kháng vi rút, kháng viêm, giảm đau, chống lại các bệnh chuyển hoá, ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ, làm hạ huyết áp và phòng chống bệnh tim mạch.
Chiết xuất từ tỏi được cho rằng có công dụng tăng tính đàn hồi của mạch máu, giảm độ nhớt huyết tương, cải thiện cấu hình lipid huyết tương, giảm trọng lượng cơ thể, tăng độ nhạy của tế bào với insulin, ngăn chặn sự hoạt hóa insulin, chống lại bệnh đái tháo đường, làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, giúp ức chế enzym AChE, loại bỏ các gốc tự do gây tổn thương oxy hóa. Ngoài ra, một số nghiên cứu ống nghiệm cũng đã chứng minh công dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú, giảm sự di căn của các loại ung thư, ức chế sự phát triển và tăng sinh của tế bào, giảm đáng kể tình trạng viêm và tổn thương gan từ chiết xuất tỏi sống.
Tác dụng của lá tỏi
Cùng với công dụng tuyệt vời của củ tỏi thì lá tỏi cũng là một loại gia vị có nhiều chất có lợi cho sức khỏe con người. Bên trong lá tỏi có nhiều hợp chất hóa học có công dụng duy trì tim mạch và lưu thông máu. Từ xưa, lá tỏi đã nổi tiếng với tác dụng kiểm soát mức cholesterol trong máu, giúp cholesterol ở mức ổn định. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra, công dụng của lá tỏi chính là hỗ trợ quá trình lưu thông máu, cải thiện tế bào bạch cầu, kích thích máu sản sinh ra hồng cầu tươi. Việc ăn lá tỏi thường xuyên sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh máu đông, duy trì sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc ung thư máu, giảm tắc nghẽn máu, giúp máu lưu thông dễ dàng và ngăn chặn mảng bám trên thành mạch.
Lá cây tỏi có ăn được không?
Chính bởi công dụng tuyệt vời của lá tỏi mà nhiều người thắc mắc không biết lá cây tỏi có ăn được không? Lá tỏi có mùi thơm nhẹ hơn củ, được dùng làm rau gia vị phổ biến. Hơn hết, lá tỏi còn được dùng để ăn sống cùng với rau xà lách. Vì vậy, lá tỏi không những ăn được mà còn ăn rất ngon.
Giá trị kinh tế cây tỏi ta
Vì là giống cây gia vị phổ biến, có nhiều công dụng trong y học nên cây tỏi ta đang là giống cây nông nghiệp có nhiều giá trị. Theo tìm hiểu, cây tỏi cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần sao với các giống cây trồng khác, với mỗi ha tỏi, người dân có thể cho thu về từ 2,5 – 3 tấn tỏi tươi, thu về khoảng 200 – 300 triệu đồng. Hiện nay, không chỉ nhu cầu nội tiêu tăng vọt mà cả nhu cầu thị trường ngoài nước cũng đang gia tăng. Hơn hết, cây tỏi ta lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại nước ta, sinh trưởng và phát triển tốt ở hầu hết tất cả các địa phương. Vì vậy, việc trồng cây tỏi ta chính là cách phát triển kinh tế bền vững và nhanh chóng tại nhiều địa phương.
Ngày nay, nhiều diện tích lúa nước đã nhường chỗ cho việc trồng tỏi, giống cây này ít bị sâu bệnh lại dễ chăm sóc hơn cây lúa nước, hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn cây lúa nước gấp 2 lần. Theo thống kê, so với thế giới, giá thành của cây tỏi Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều, nguyên dân là do đa số sản phẩm chỉ xuất bán hàng thô chưa qua chế biến. Chính vì điều này, thời gian gần đây các loại tỏi đen, tinh dầu tỏi đã bắt đầu ra đời. Hiện tại, mức giá cho một kg tỏi tươi đang giao động trong khoảng 42 – 45 nghìn đồng 1 kg.
Cách trồng cây tỏi
Thời vụ trồng: Tùy theo từng địa phương mà chúng ta có thời gian canh tác khác nhau. Tại đồng bằng sông Hồng thì thời điểm trồng tỏi là vào 25/9 – 5/10. Miền Trung thì trồng vào tháng 9 – 10 hằng năm.
Làm đất: Làm đất thật kỹ và lên luống trồng, mỗi luống cao khoảng 30 – 50cm, chiều ngang khoảng 1 – 1,5m, mỗi hàng cách nhau 20cm, mỗi luống cách nhau 30cm. Tiếp đó, phủ lên trên bề mặt một lớp đất thịt nhẹ có trộn cùng phân chuồng hoai mục để tạo độ xốp cho cây và kích thích tỏi cho củ to.
Giống: Mỗi ha cần một tấn tỏi giống, củ giống phải to, chắc, không bị sâu bệnh, nặng 12 – 15g.
Cách trồng cây tỏi: Trước khi trồng cần ngâm các nhánh tỏi giống trong nước khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ, tiếp đó đem cắm chúng vào trong đất và phủ lên trên một lớp đất mỏng. Ngoài phương pháp trồng tỏi bằng củ giống thì chúng ta có thể trồng chúng bằng hạt. Hạt giống cần được đập dập cho thật nhỏ, sau đó gieo vãi hạt với mật độ 2 – 3g/1m2. Sau khi gieo thì phủ lên bề mặt một lớp đất mỏng và phủ thêm rơm, rạ lên trên.
Hình ảnh cây tỏi
Để giúp bạn hiểu thêm về giống cây này, Elead xin gửi tới bạn một số hình ảnh cây tỏi sau đây:
Trên đây là toàn bộ thông tin về đặc điểm, công dụng, giá trị kinh tế và cách trồng cây tỏi. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, hy vọng bài viết này hữu ích cho cuộc sống của bạn!
Xem thêm: Cây trám đen là gì? Đặc điểm, cách trồng và đặc tính gỗ
Sinh Vật Cảnh -Cây trám đen là gì? Đặc điểm, cách trồng và đặc tính gỗ
Cây sơn trà là gì? Ý nghĩa, công dụng quả sơn trà, cách trồng
Cây tầm vông là gì? Công dụng, cách trồng, ý nghĩa phong thủy
Cây sậy là gì? Tác dụng, nơi sống, cách dùng và hình ảnh
Cây sắn dây – Đặc điểm, tác dụng củ sắn dây và cách trồng
Cây sắn – Đặc điểm, công dụng và cách phòng bệnh rụng lá
Cây sam hương là gì? Phân loại, ý nghĩa và cách chăm sóc