Cây vú sữa: Đặc điểm, nguồn gốc, cách trồng và ý nghĩa
Cây vú sữa là loại cây che bóng mát và cho quả phổ biến tại Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng trồng xung quanh nhà. Đọc ngay bài viết sau để tìm hiểu về đặc điểm cây vú sữa, sự tích cây vú sữa, cách trồng và ý nghĩa.
Đặc điểm cây vú sữa
Cây vú sữa thuộc họ Hồng Xiêm, bộ Ebenales, tên tiếng anh là chrysophyllum cainino. Tuy đây là một loại cây xanh cho bóng mát quen thuộc tại nhiều ngôi nhà tại Việt Nam những không phải ai cũng biết rõ về các đặc điểm, công dụng và nguồn gốc của cây. Cây có thân gỗ, rễ phân nhiều nhánh, tốc độ phát triển nhanh chóng. Thân cây có độ đàn hồi tốt, dẻo dai, tán lá tỏa rộng, cành nhánh đều chứa quả và lá. Chiều cao trung bình của cây khoảng 10 – 15m, loại cây này được trồng bằng cách chiết cành hoặc gieo hạt.
Khi cây vú sữa đang ở giai đoạn phát triển thì lá có màu xanh, lá thường mọc so le và có hình trứng, nhọn một đầu. Mép lá có răng cưa, chiều dài lá trung bình từ 5 – 10cm, mặt dưới có màu ngả vàng. Hoa vú sữa có màu trắng, số ít hoa có màu tím. Sau 3 năm tuổi thì cây vú sữa mới bắt đầu ra hoa. Cây vú sữa là loại cây lưỡng tính nên có thể tự thụ phấn mà không cần tới bàn tay con người.
Quả vú sữa có hình tròn, kích thước bằng một nắm tay, vỏ nhẵn bóng, có màu sắc khác nhau tùy vào từng giống cây. Khi xanh, quả có màu xanh, khi chín quả chuyển dần thành màu tím trắng. Một số giống cây thì chuyển hẳn về màu tím hoặc hồng. Phần vỏ có nhiều nhựa, không ăn được và có vị chát. Bên trong ruột có hạt, hạt có hình lưỡi liềm, màu nâu, cứng. Sau 7 năm tuổi, cây cho quả đều đặn và thu hoạch được quanh năm. Quả vú sữa có vị ngọt thanh, mọng nước, có thể dùng tươi hoặc ướp lạnh, giải khát rất tốt cho mùa hè.
Loại cây ăn quả này có tốc độ sinh trưởng nhanh, cây sống tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 24 – 35 độ C. Cây vú sữa có tán lá lớn nhưng phần rễ lại nông và yếu nên cây vú sữa không chịu được gió bão. Tuy nhiên, cây đã được nhà nước đưa vào danh mục cây trồng làm cảnh trong nhiều khu nhà, đường phố, biệt thự ở trong các thành phố lớn. Lá vú sữa cũng có nhiều công dụng khác như làm chè và chữa bệnh.
Tuổi thọ của cây vú sữa
Cây vú sữa là loại cây cho trái mang lại giá trị kinh tế lớn cho người trồng. Nhiều người nông dân trồng loại cây này đã cho biết, mỗi kg trái vú sữa được thương lái vào tận vườn thu mua có những thời điểm lên tới 40.000 – 45.000vnd/1kg. Những cây vú sữa trên 10 năm tuổi sẽ ra quả đều đặn mỗi năm và có thể thu hoạch quanh năm. Tuổi thọ của cây vú sữa trung bình khoảng 20 – 25 năm, một số cây mọc trong tự nhiên được phát hiện thời gian gần đây có những cây lên tới 100 năm tuổi. Sau 3 năm kể từ khi trồng vú sữa xuống đất, cây sẽ cho đợt trái đầu tiên, thời gian từ khi cây ra quả tới khi cây thu hoạch trong khoảng 180 – 200 ngày. Vụ thu hoạch vú sữa chín thường diễn ra vào tháng 2 và tháng 3 hằng năm.
Ngoài ra, loại cây này cũng được ứng dụng trong trang trí nhà cửa khá nhiều nên càng những cây vú sữa có hình dáng đẹp, tuổi thọ cao thì càng có giá trị kinh tế càng lớn. Ở Việt Nam, cây vú sữa có tuổi thọ cao nhất là cây vú sữa Tứ Linh 100 năm của anh Hà Quốc Toản ngụ tại ấp Nam Hải – xã Đại Hải – huyện Kế Sách – tỉnh Sóc Trăng. Hiện cây vú sữa này đang được đặt tại vườn hoa trước sân nhà của anh Toản, cành lá vẫn rất xanh tươi nhưng chiều cao lại chỉ ngang đầu người. Mặc dù thân vú sữa đã xù xì, tróc vảy nhưng cây vẫn cho đều đặn vài chục trái mỗi năm.
Sự tích cây vú sữa
Vú sữa là loại cây quen thuộc với làng quê Việt Nam, trong dân gian cũng đã truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện về loài cây này. Điển hình đó là câu chuyện cổ tích “sự tích cây vú sữa”:
Chuyện kể về một đứa trẻ được mẹ mình hết sức yêu chiều. Khi cậu lớn, cậu thường ham chơi, nghịch ngợm và không nghe lời mẹ. Cậu đi chơi nhưng không bao giờ về nhà đúng giờ, bố cậu đã mất, mẹ cậu chỉ còn duy nhất mình cậu nên rất lo lắng. Hằng ngày, người mẹ đều ngồi trước cửa nhà ngóng trông cậu. Một hôm, cậu bỏ nhà ra đi, mẹ cậu chờ mãi mà không thấy cậu đâu, mẹ lo lắng, bồn chồn, sinh bệnh mà chết. Cho tới một ngày, cậu bị một đứa trẻ lớn hơn đánh, lúc này cậu mới nhớ tới người mẹ của mình.
Khi cậu trở về, cậu cất tiếng gọi mẹ nhưng không thấy mẹ cậu trả lời. Cậu đi khắp nơi tìm mẹ nhưng không thấy, hỏi dân làng mới biết mẹ cậu đã mất. Lúc này cậu mới thấy hối hận nhưng đã muộn. Cậu bèn ôm lấy cái cây trước nhà và khóc, cảnh vật vẫn như xưa nhưng giờ mẹ cậu đã không còn. Cứ như vậy, cậu ngất đi vì đói. Khi tỉnh dậy, cậu hái một quả trên cái cây cậu vừa ôm. Khi cậu tách đôi loại quả này ra, nó liền chảy ra một dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ. Từ đó, loài cây này có tên là cây vú sữa.
Cách trồng cây vú sữa ở miền Bắc
Vú sữa có thể trồng quanh năm và phát triển tốt vào mùa mưa. Khu vực trồng nhiều vú sữa nhất hiện nay đó là khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Không chỉ vậy, nhiều gia đình ở miền Bắc cũng đang tiến hành trồng loại cây này và cho ra năng suất khá cao. Cách trồng cây vú sữa ở miền Bắc cũng khá đơn giản:
- Thời vụ trồng: Nên trồng vào khoảng đầu tháng 9.
- Trồng cây: Trước khi trồng cây khoảng 1 tháng thì tiến hành đào hố cho cây theo kích thước 50x40cm, sâu 20 – 25cm. Trộn đều đất trồng với phân hữu cơ, phân lân và basusin 10H. Cắt bỏ bầu đất và đặt bầu cây thẳng đứng, tiến hành lấp đất xung quanh gốc cây và nén chặt đất. Cắm cọc cố định xung quanh gốc cây và tưới nước đều đặn 2 ngày/1 lần vào mỗi buổi sáng.
- Che mát cho cây: Sử dụng thêm các vật che bóng mát cho cây như lá chuối, bìa giấy,… trong thời gian 1 – 2 năm đầu.
- Giữ ẩm cho cây: Rễ vú sữa không ăn sâu vào lòng đất nên khi trời nắng gay gắt, mặt đất quá khô sẽ ảnh hưởng tới bộ rễ của cây. Cần ủ rơm, rạ, lá khô, cỏ,… xung quanh gốc cây để giữ ẩm cho cây.
- Tỉa cành, tạo tán: Trong khoảng 2 – 3 năm đầu nên tỉa bớt cành, lá cho cây. Tỉa cây sao cho tán lá không quá sum suê, tạo cho cây thành tán tròn và chiều cao không vượt quá 5m. Cắt bỏ những cành có kích thước quá cao, cành bị sâu bệnh, cành yếu và cành mọc sát mặt đất. Đối với những cây vú sữa có tuổi thọ trên 10 năm cần cưa bớt những cành có ít lá, sinh trưởng kém và ra quả kém. Sau khi cưa, cành sẽ rất nhanh ra chồi mới, mỗi vết cắt sẽ có thể ra khoảng 5 – 16 chồi mới, cần cắt bớt và chỉ giữ lại khoảng 2 – 3 chồi khỏe mạnh.
Trồng cây vú sữa làm cảnh có ý nghĩa gì?
Cây vú sữa là loại cây cho quả có giá trị kinh tế cao, khả năng che bóng mát và tạo cảnh quan tốt. Chính vì vậy, loại cây này được rất nhiều hộ gia đình ưu tiên lựa chọn trồng xung quanh nhà. Xét về yếu tố thẩm mỹ, khi trồng cây vú sữa làm cảnh sẽ tạo cho chúng ta một không gian sống xanh, giúp thanh lọc không khí, cung cấp oxy. Quả vú sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho hoạt động sống của con người. Lá vú sữa là vị thuốc nam có thể chữa bệnh đái tháo đường, thấp khớp, đau dạ dày.
Xét ở góc độ phong thủy, cây vú sữa là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng. Do đó, việc trồng vú sữa xung quanh nhà sẽ tăng thêm tình cảm giữa mẹ và con, tăng thêm các mối liên hệ, gắn kết giữa người thân trong gia đình.
Có nên trồng cây vú sữa trước nhà
Với những lợi ích tuyệt vời mà loại cây này mang lại thì việc trồng cây vú sữa trước nhà là hoàn toàn hợp lý. Khi trước nhà có cây vú sữa, sẽ giúp mang lại cảnh quan tươi mát, vừa mang lại những giá trị tinh thần tuyệt vời, hơn hết nó còn mang lại cho chúng ta một thức quả ngon vào mùa hè. Tuy nhiên, những gia đình nào có mặt tiền nhỏ, không nên trồng loại cây này. Bởi tán cây quá to sẽ bao phủ toàn bộ ngôi nhà, đây là một yếu tố không tốt cho phong thủy.
Trên đây là toàn bộ thông tin về đặc điểm cây vú sữa, sự tích cây vú sữa, cách trồng và ý nghĩa. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho cuộc sống của bạn, cảm ơn bạn đã đọc bài viết này.
Xem thêm: Cây bạch đàn là cây gì? Giá trị kinh tế, tác dụng, tác hại
Sinh Vật Cảnh -Cây bạch đàn là cây gì? Giá trị kinh tế, tác dụng, tác hại
Cây trường sinh: Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và độc tố
Cây sen đá: Đặc điểm, công dụng, ý nghĩa và cách trồng
Cây thường xuân là cây gì? Lợi ích, ý nghĩa, cách trồng
Cây phát tài núi hợp mệnh gì? Đặc điểm, phân loại, cách chăm sóc
Cây trúc: Phân loại, ý nghĩa, cách chọn giống và chăm sóc
Cây mật gấu: Đặc điểm, tác dụng, cách sử dụng và tác hại