Cây sương sáo là cây gì? Công dụng, cách trồng, cách chăm sóc
“Ai sương sáo bánh lọt đổi lúa hông?” là tiếng rao quen thuộc trong văn hóa của người dân Nam Bộ. Thạch sương sáo chính là món ăn thơm ngon, hấp dẫn, giải nhiệt ngày hè được người dân Việt Nam yêu thích. Hơn hết, cây sương sáo cũng là loại dược liệu có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe của con người. Đọc ngay bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu thông tin cây sương sáo là cây gì, công dụng, cách trồng và cách chăm sóc.
Cây sương sáo là cây gì?
Cây sương sáo có tên khoa học là mesona chinensis, thuộc họ Hoa Môi (Lamiaceae), loại cây này còn được biết tới với nhiều tên gọi khác như: Cây xương sáo, cây thạch đen, cây tiên thảo, cây tiên nhân thảo, cây thủy cẩm, cây xương phấn thảo, cây tiên nhân đông,… Thông thường, người dân miền Bắc chỉ biết tới món thạch đen làm từ cây sương sáo chứ không biết tới cây sương sáo. Vậy, cụ thể cây sương sáo là cây gì? Cây sương sáo là giống cây thân thảo, sống hằng năm, chiều cao của cây khoảng 30 – 60cm, nếu sống trong điều kiện thuận lợi cây có thể cao hơn.
Toàn bộ cây được bao phủ bởi một lớp lông thô, rậm rạp, cây ít phân cành và nhánh. Lá cây mọc đối xứng hai bên, phiến lá có hình trứng, thon dài, mép lá không có răng cưa và khá dày. Một chiếc lá sương sáo trưởng thành sẽ có chiều dài khoảng 2 – 4cm, chiều rộng khoảng 1 – 2cm. Hoa cây sương sáo thường mọc tập trung thành chùm dài, mọc ra từ ngọn, toàn bộ cụm hoa được phủ một lớp lông mềm, mỗi bông hoa sẽ có lá bắc màu hồng bao lấy phần đầu. Tràng hoa sương sáo có màu trắng hoặc màu hồng, cánh hoa sẽ to dần về phía cuống. Quả có hình tròn, là dạng quả bế, vỏ nhẵn, chiều dài khoảng 0,6 – 0,9cm.
Loại cây này thường ra hoa vào mùa thu kéo dài tới hết mùa đông, thân và lá có thể được thu hoạch quanh năm để làm thuốc. Thường thì người dân sẽ thu hoạch nhiều nhất là vào mùa mưa, sau khi thu hoạch thì sẽ mang chúng đi rửa, phơi khô hoặc dùng tươi tùy vào mục đích sử dụng. Trên thế giới, loại cây này mọc chủ yếu ở các nước trong khu vực Đông Á, nhiều nhất là Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Món thạch sương sáo mà chúng ta thường ăn được làm trực tiếp từ thân và cành của loại cây này.
Cây sương sáo mọc ở đâu?
Như các bạn đã biết, cây sương sáo được trồng với mục đích chính là thu hoạch lá và thân. Môi trường sống sẽ quyết định tới sản lượng và chất lượng của thành phẩm sương sáo khi thu hoạch. Để dễ dàng trong việc thu hoạch người ta rất quan tâm tới việc cây sương sáo mọc ở đâu? Tại Việt Nam, loại cây này thường mọc hoang dại nhiều tại vùng đồi núi, sau này chúng được trồng nhiều ở các vùng đồng bằng lớn như đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ như An Giang, Hậu Giang.
Công dụng cây sương sáo làm thạch đen
Hiện nay, vẫn chưa có báo cáo chính xác về thành phần hóa học của cây sương sáo. Nhiều chuyên gia cho biết, bên trong thân và lá của loại cây có chất tạo gel là pectin. Đây cũng chính là nguyên nhân cho việc nước sương sáo sẽ đông lại ngay khi nguội. Nhờ vào nguyên lý này nên chúng ta đã có thể thưởng thức được món thạch đen giải khát ngày hè thơm ngon, hấp dẫn. Theo y học cổ truyền của Trung Quốc, loại cây này thường được dùng để giải cảm, hỗ trợ điều trị ngộ độc rượu, giúp lợi tiểu, điều trị các bệnh liên quan đến đường tiết niệu, vàng da và bệnh lỵ.
Theo Đông Y Việt Nam, cây sương sáo làm thạch đen có tính mát, vị ngọt, có công dụng giải độc, thanh nhiệt cơ thể và điều trị bệnh tiểu đường, chữa bệnh cảm mạo, huyết áp cao, điều trị bệnh viêm thận cấp tính, bệnh đái tháo đường, chữa bệnh đau nhức xương khớp, viêm khớp cấp tính, giúp quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể hoạt động dễ dàng, giảm cholesterol trong máu và chống lão hóa da hiệu quả. Không chỉ là một món ăn giải nhiệt mà nó còn là một trong những cây thuốc và vị dược liệu quý của y học Việt Nam. Theo y học hiện đại, cây sương sáo có công dụng điều trị chứng vàng da, viêm thận, trị bệnh cảm mạo, giải độc gan, làm mát gan.
Cách nấu cây sương sáo tươi
Thạch sương sáo chính là món ăn giải khát ngày hè hiệu quả có hương vị rất đặc trưng. Chúng mang một mùi vị ngọt thanh, dễ ăn, chính vì điều này nên chúng đã khiến cho chúng ta càng ăn càng nghiền.
Cách nấu cây sương sáo tươi làm thạch chuẩn vị miền Nam như sau:
Bước 1: Chuẩn bị khoảng 1kg lá sương sáo tươi cùng với 10 lít nước sạch. Rửa sạch toàn bộ phần lá này và mang đi đun cùng với 8 lít nước sạch hòa cùng với 2 thìa tro bếp vào.
Bước 2: Nấu cho tới khi nước sôi và nước bắt đầu nhớt nhớt thì chúng ta tắt bếp và mang đi lọc qua rây để lấy nước. Tiếp đó cho nốt 2 lít nước còn lại vào và trộn với phần nước vừa thu được, sau đó cho thêm 1 – 2 muỗng bột gạo hoặc bột sắn dây vào.
Bước 3: Khuấy đều hỗn hợp này lên và đặt lên bếp nấu với lửa nhỏ. Nước càng sệt thì chúng ta càng phải khuấy đều và mạnh tay hơn, nấu khoảng 10 phút thì tắt bếp để nguội hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 – 4 tiếng. Vậy là chúng ta đã có một mẻ thạch sương sáo thơm ngon.
Cách trồng cây sương sáo
Kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây này cực kỳ dễ làm và đơn giản, chúng ta chỉ cần trồng bằng thân cây sương sáo đã được thu hoạch từ vụ trước là được. Nếu chúng ta chăm sóc và bón phân cho chúng đều đặn thì 1 năm có thể cho thu hoạch 2 lần vào tháng 6 và tháng 10 – 11. Cách trồng cây sương sáo như sau:
Đất trồng: Cây sương sáo ưa đất ven suối, đất ẩm và dốc nhẹ, tốt nhất trên trồng cây trên đất xám vàng có tầng sâu dày hoặc đất thịt pha cát màu xám. Thông thường, người dân thường trồng chúng trên đất ngô, lúa đã bị bỏ một thời gian. Khu vực trồng không cần bón phân mà để cây phát triển trên đất tự nhiên.
Cách trồng: Chúng ta nên trồng xen canh loại cây này cùng với các loại cây ăn trái khác như xoài, nho, nhãn, quýt, cam,… Chúng ta chỉ cần lựa chọn vùng đất trồng phù hợp sau đó tưới nước nhẹ trước khi trồng và cắm trực tiếp thân cây vào trong lòng đất, cắm sâu khoảng 5 – 7cm. Sau khoảng 5 – 7 ngày cây sẽ bắt đầu sinh chồi và khỏe mạnh.
Cách chăm sóc cây sương sáo trắng
Việc trồng cây sương sáo thường mất ít vốn, nhẹ công chăm sóc và có thể thu hoạch được khoảng 3 lần trong năm. Do đó, loại cây này được xem là giống cây thoát nghèo của nhiều địa phương. Cách chăm sóc cây sương sáo trắng cũng rất đơn giản:
Tưới nước: Loại cây này không cần tưới nước quá thường xuyên và đều đặn, lượng nước tưới trong một lần cũng không cần quá nhiều. Một ngày có thể tưới khoảng 1 – 2 lần, mùa đông có thể tưới với lượng nước thấp hơn cũng như chu kỳ tưới dài hơn, khoảng 3 – 5 ngày/1 lần.
Bón phân: Loại cây này không cần bón lót trước khi trồng và cũng không cần bón phân với mật độ quá dày. Ngay khi cây được 1 tháng tuổi thì chúng ta bón 1 nắm nhỏ phân hữu cơ cho 1 cây. Sau đó 3 tháng thì bón thêm phân chuồng hoai mục, khi cây bắt đầu ra hoa thì chúng ta bón thêm kali và photpho để cây chắc chắn hơn.
Cắt tỉa: Loại cây này không cần cắt tỉa thường xuyên nhưng sau mỗi lần thu hoạch thì chúng ta nên loại bỏ những lá già, lá sâu, cành yếu để hạn chế môi trường sinh trưởng của sâu hại.
Hình ảnh cây sương sáo
Để nhận biết được chính xác loại cây này với các loại cây sương sâm, cùng Elead chiêm ngưỡng một số hình ảnh cây sương sáo dưới đây:
Trên đây là toàn bộ thông tin thông tin cây sương sáo là cây gì, công dụng, cách trồng và cách chăm sóc. Hy vọng bài viết này hữu ích cho cuộc sống của bạn, cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!
Xem thêm: Cây sử quân tử ra hoa mùa nào? Trồng sử quân tử có tốt không?
Sinh Vật Cảnh -Cây sử quân tử ra hoa mùa nào? Trồng sử quân tử có tốt không?
Cây lương thực là gì? Các loại cây lương thực trên thế giới
Cây sơ ri – Đặc điểm, tuổi thọ, cách trồng, cách chăm sóc
Cây sò huyết – Đặc điểm, tác dụng, ý nghĩa và cách trồng
Cây roi: Đặc điểm, cách trồng và vì sao cây roi không ra quả?
Cây ráy là gì? Tác dụng, cách trồng, cách xử lý khi ăn phải
Cây ô môi trị bệnh gì? Đặc điểm và trái ô môi ăn được không?