Tải ngay mẫu bảng chấm công trên excel 2019 mới nhất

Tải mẫu bảng chấm công trên excel năm 2019 mới nhất hiện nay dành cho mọi doanh nghiệp

Bảng chấm công cần thiết cho các doanh nghiệp, trách nhiệm ghi ngày công, ngày nghỉ thuộc về nhân viên chấm công. Người lập bảng cần dựa vào những thông tin chính xác về việc đi làm của nhân viên trong tháng để tính lương cho nhân viên.

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 133/2016/TT-BTC, các chứng từ kế toán đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc), doanh nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị nhưng phải đảm bảo các nội dung chủ yếu và những thông tin theo luật định.

Trên cơ sở này, LuatVietnam cung cấp mẫu Bảng chấm công 2019 trên excel chi tiết nhất hiện nay.

Ý nghĩa của Bảng chấm công

Bảng chấm công là căn cứ quan trọng trong mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để theo dõi ngày công thực tế làm việc, nghỉ việc, nghỉ hưởng chế độ BHXH,… để đánh giá sự chuyên cần, chăm chỉ, tích cực, hiệu quả công việc của từng nhân viên, qua đó làm cơ sở để trả lương.

Đối với một số mô hình doanh nghiệp, chấm công không quá quan trọng nhưng để xây dựng doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài thì chấm công là rất cần thiết.

Trách nhiệm chấm công

Mỗi phòng, ban, bộ phận,… đều có trách nhiệm chấm công hàng tháng cho từng nhân viên của mình.

Bảng chấm công 01 bản được lưu tại chính phòng, ban, bộ phận đó và 01 bản gửi tới bộ phận kế toán của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Hướng dẫn điền Bảng chấm công 2019:

Hàng ngày, trưởng phòng, ban, bộ phận,… hoặc người được ủy quyền căn cứ tình hình thực tế của bộ phận mình để chấm công cho từng người trong ngày, ghi vào các ngày tương ứng trong tháng theo các ký hiệu quy định trong chứng từ.

Phương pháp chấm công:

Tùy thuộc vào điều kiện sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị để thực hiện phương pháp chấm công thích hợp và hiệu quả.

Mẫu Bảng chấm công 2019 trên đây được thực hiện theo phương pháp chấm công theo ngày. Theo đó, người lao động làm việc tại đơn vị hoặc làm các việc khác như học tập, hội nghị, nghỉ chế độ,… thì dùng ký hiệu tương ứng để chấm công cho ngày đó.

Lưu ý:

Nếu trong ngày, người lao động làm 2 công việc có thời gian khác nhau thì chấm công theo công việc chiếm nhiều thời gian nhất.

Ví dụ: Lao động A dự hội nghị 5 tiếng, làm việc tại đơn vị 3 tiếng thì cả ngày chấm công theo việc dự hội nghị.

Nếu trong ngày, người lao động làm 2 công việc có thời gian bằng nhau thì chấm công theo công việc diễn ra trước.

Ví dụ: Lao động B dự hội nghị 4 tiếng, làm việc tại đơn vị 4 tiếng thì cả ngày chấm công theo việc dự hội nghị.

Bảng chấm công thể hiện rõ số ngày trong tháng (tối thiểu 28 ngày và tối đa 31 ngày tùy theo tháng). Tương ứng với các ngày là các thứ trong tuần. Việc lập bảng chấm công chi tiết sẽ thuận lợi cho người quản lý trong việc theo dõi, đánh giá nhân viên của mình.

Người lao động làm việc tại đơn vị đủ thời gian theo hợp đồng lao động, nội quy, quy chế cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được tính là 01 công và đánh dấu “x” vào ngày đó.

Các trường hợp khác đánh dấu theo ký hiệu tương ứng.

Tổng hợp công theo tháng (Từ cột 35 – cột 39):

SP: Tổng số công làm việc trong tháng của người lao động;

P: Tổng số ngày người lao động nghỉ phép trong tháng;

L: Tổng số ngày nghỉ lễ trong tháng theo quy định của Nhà nước (ban gồm ngày nghỉ chính thức và ngày nghỉ bù);

Ô: Tổng số ngày người lao động nghỉ ốm trong tháng (nếu có);

CĐ: Tổng số ngày người lao động nghỉ hưởng chế độ trong tháng (du lịch, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ không hưởng lương, lao động nghĩa vụ,…)

Cuối tháng, người chấm công và người phụ trách bộ phận ký vào bảng chấm công và chuyển Bảng chấm công cùng các giấy tờ liên quan (Đơn xin nghỉ mát, Đơn xin nghỉ việc không hưởng lương,…) về bộ phận kế toán kiểm tra, đối chiếu.

Bộ phận kế toán xây dựng bảng lương tháng trả cho người lao động và trình cùng Bảng chấm công này tới Giám đốc/Tổng Giám đốc ký phê duyệt.

Trên đây là Bảng chấm công 2019 đơn giản mà chi tiết nhất.Tùy thuộc vào điều kiện của đơn vị mình mà độc giả có thể bổ sung một số ký hiệu, chế độ phù hợp, hữu ích cho mục đích quản lý của mình.

Luật Việt Nam - Tags: