Quyết Định 26/2014/QĐ-UBND Đà Nẵng Quy định quản lý Nhà nước về giá

Quyết định 26/2014/QĐ-UBND Đà Nẵng Quy định quản lý Nhà nước về giá được trích dẫn chi tiết. Quyết định này quy định thực hiện quản lý nhà nước về giá trong các lĩnh vực: bình ổn giá, định giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngay dưới đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cụ thể nhé.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
——–

Số: 26/2014/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Đà Nẵng, ngày 20 tháng 8 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

—————————

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

Căn cứ Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính thành phố tại Tờ trình số 822 /TTr-STC ngày 25 tháng 7 năm 2014 về việc ban hành Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 48/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu cho UBND thành phố quản lý nhà nước về giá trên địa bàn;

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định này thực hiện./.

Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ;
– Bộ Tài chính;
– Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố;
– TT TU, TT HĐND thành phố;
– UB MTTQVN thành phố;
– Cục kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư Pháp;
– Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính;
– CT, các PCT UBND thành phố;
– CVP, các PCVP UBND thành phố;
– Giám đốc Sở Tài chính TP
– Giám đốc Sở Tư pháp TP;
– Giám đốc các Sở, Ngành TP;
– Chủ tịch UBND các quận, huyện;
– Các hội đoàn thể;
– Báo Đà Nẵng;
– TT Tin học Công báo tp;
– Cổng TTĐT tp;
– VP UBND tp: CPVP, NCPC,
QLĐTh, VX, KTN;
– Lưu: VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Võ Duy Khương

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26 /2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này thực hiện quản lý nhà nước về giá trong các lĩnh vực: bình ổn giá, định giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Các quy định về kiểm soát các yếu tố hình thành giá, hiệp thương giá, thẩm định giá, kiểm soát giá độc quyền, niêm yết giá,…không quy định tại Quy định này thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá trên địa bàn thành phố.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý giá

1. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo đúng quy định hiện hạnh.

2. Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Bình ổn giá

Trường hợp thực hiện bình ổn giá

Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá, cụ thể như sau:

a) Khi giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá có biến động bất thường xảy ra trong các trường hợp:

– Giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý so với mức tăng hoặc giảm giá do tác động của các yếu tố hình thành giá được tính theo các chế độ chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật hoặc phương pháp tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

– Giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng hoặc giảm bất hợp lý trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế – tài chính, mất cân đối cung – cầu tạm thời;

b) Khi mặt bằng giá biến động làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Các biện pháp bình ổn giá

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các Bộ quản lý ngành liên quan; Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, chủ động quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá tại thành phố Đà Nẵng theo thẩm quyền quy định tại Khoản 6, Điều 7 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, cụ thể như sau:

a) Điều hòa cung cầu một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn;

b) Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;

c) Đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá theo quy định;

d) Kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có trên địa bàn;

đ) Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế;

e) Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cần thiết để phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá

Thực hiện theo đúng quy định tại Điều 3 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá.

4. Đăng ký giá

Trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá đối với mặt hàng cụ thể thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước khi định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện đăng ký giá bằng việc lập Biểu mẫu đăng ký giá gửi Sở Tài chính, Sở quản lý ngành, UBND quận, huyện theo phân công của UBND thành phố.

Quy trình và cách thức thực hiện đăng ký giá theo đúng quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính .

Điều 5. Xây dựng phương án giá và thẩm định giá

1. Giá các loại đất: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về giá đất, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất và các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về việc thực hiện Luật đất đai năm 2013 và quy định của UBND thành phố Đà Nẵng.

2. Giá cho thuê đất, thuê mặt nước: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính và quy định của UBND thành phố Đà Nẵng.

3. Giá rừng bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ khung giá rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, tình hình thực tế tại thành phố xây dựng phương án giá trình UBND thành phố quyết định sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

4. Giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được đầu tư từ ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về nhà ở

Sở Xây dựng căn cứ khung giá hoặc giá bán, giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Chính phủ quy định và hướng dẫn của Bộ Xây dựng để lập phương án giá trình UBND thành phố quyết định sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

5. Giá nước sạch sinh hoạt

Các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch căn cứ quy định của Chính phủ, khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính quy định và các quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch xây dựng phương án giá nước sạch, báo cáo cơ quan quản lý ngành có ý kiến, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định.

6. Giá cho thuê tài sản Nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. UBND thành phố phân công cụ thể cơ quan chuyên môn căn cứ quy định cụ thể xây dựng phương án giá trình UBND thành phố quyết định sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

7. Giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hoá, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị sản xuất cung cấp hàng hóa, dịch vụ căn cứ phương pháp định giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ theo quy định của Bộ Tài chính xây dựng phương án giá trình UBND thành phố quyết định sau khi có ý kiến của các cơ quan chuyên môn liên quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

8. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thuộc thành phố Đà Nẵng: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện theo phân cấp căn cứ các quy định của cơ quan có thẩm quyền, trình UBND thành phố quyết định sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

9. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố Đà Nẵng: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng phương án giá báo cáo Sở Y tế kiểm tra, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính, Sở Y tế báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân nhân dân thành phố quyết định.

10. Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách địa phương và trung ương; mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển; giá cước vận chuyển cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục được trợ giá phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo: các đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ xây dựng mức trợ giá, trợ cước báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành nếu có trình UBND thành phố sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính.

Điều 6. Kê khai giá

Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá

Thực hiện theo đúng quy định tại Điều 15 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ.

Căn cứ tình hình thực tế từng thời điểm tại địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng trình UBND thành phố quy định bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện việc kê khai giá tại địa phương (nếu có).

Tổ chức thực hiện kê khai giá

Biểu mẫu, quy trình và cách thức thực hiện kê khai giá thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Thông tư số 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện biện pháp bình ổn giá

1. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

– Kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền;

– Tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định;

– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn địa phương;

– Báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Chính phủ, Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn địa phương.

2. Sở Công thương

Theo dõi diễn biến giá các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, phối hợp Sở Tài chính đề xuất UBND thành phố biện pháp bình ổn giá.

3. Các Sở, Ban, Ngành có liên quan, UBND các quận huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố quyết định biện pháp bình ổn giá và thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của UBND thành phố.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý giá

Ngoài các nhiệm vụ thực hiện bình ổn giá, định giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, các cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Sở Tài chính

a) Tổ chức, triển khai hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá, kê khai giá. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá khi nhà nước thực hiện bình ổn giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ và theo dõi quản lý giá theo phân công của UBND thành phố.

b) Tổ chức thu thập thông tin giá cả thị trường hàng hóa dịch vụ thiết yếu trên địa bàn thành phố báo cáo UBND thành phố và Bộ Tài chính.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và các cơ quan chuyên môn rà soát thống kê, báo cáo UBND thành phố quyết định điều chỉnh, bổ sung danh sách các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá, kê khai giá vào ngày 01 tháng 7 hàng năm hoặc theo yêu cầu của UBND thành phố.

d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá các hàng hóa, dịch vụ khi có yêu cầu. Kiểm tra các nội dung liên quan đến việc quản lý giá theo thẩm quyền và chỉ đạo của UBND thành phố.

2. Sở Xây dựng

Công bố giá các loại vật liệu xây dựng chủ yếu trên địa bàn thành phố để làm cơ sở kiểm soát giá vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng cơ bản; theo dõi diễn biến giá vật liệu xây dựng; phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND thành phố biện pháp bình ổn giá.

3. Sở Y tế

Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thực hiện việc kê khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

4. Sở Công thương

Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm theo quy định của Luật Giá và các quy định của pháp luật có liên quan.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Theo dõi diễn biến giá thóc, gạo tẻ thường; phân đạm urê; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, phối hợp với Sở Tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố biện pháp bình ổn giá và phối hợp triển khai thực hiện.

6. Sở Giao thông Vận tải

Tiếp nhận biểu mẫu kê khai giá cước vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận chuyển hành khách bằng taxi và tổng hợp gửi về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Bộ Tài chính.

Điều 9. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các quận, huyện

1. Triển khai và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các chính sách, biện pháp quản lý giá theo thẩm quyền.

2. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá khi nhà nước thực hiện bình ổn giá, kê khai giá và thực hiện theo dõi quản lý các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo phân công của UBND thành phố.

3. Tổ chức thu thập thông tin, báo cáo giá thị trường các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn theo yêu cầu của UBND thành phố và hướng dẫn của Sở Tài chính.

4. Phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá các hàng hóa, dịch vụ khi có yêu cầu. Báo cáo tình hình thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Sở Tài chính.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Quyết định 26/2014/QĐ-UBND Đà Nẵng Quy định quản lý Nhà nước về giá áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá trên địa bàn thành phố. Các cơ quan tổ chức có trách nhiệm chấp hành nhé.

Tài Chính - Tags: