[Cập Nhật] Mẫu Tờ Khai Xác Định Lại Dân Tộc Mới Nhất

Mẫu tờ khai xác định lại dân tộc được sử dụng khi muốn xác định lại dân tộc của cá nhân nào đó. Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc được ban hành kèm Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015. Hãy cùng tìm hiểu cách viết như thế nào qua bài viết này nhé!

Khi nào được xác định lại dân tộc?

Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 giải thích Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo đó Điều 29 Bộ luật Dân sự mới nhất 2015 quy định cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Theo đó, cá nhân có quyền được đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác định lại dân tộc của mình khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Cha đẻ và mẹ đẻ có hai dân tộc

– Trước đây là con nuôi thì theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi. Sau này khi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và có mong muốn được theo dân tộc của cha, mẹ đẻ.

Lúc này, cá nhân có quyền đề nghị xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ.

Thời hạn giải quyết việc xin xác định lại dân tộc

Thời hạn để thực hiện thủ tục xin xác định lại dân tộc được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch 2014. Theo đó, khi người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, người yêu cầu sẽ được cấp trích lục xác định lại dân tộc.

Trong trường hợp cần phải xác minh và kéo dài thời gian xử lý thủ tục thì thời hạn cũng không được quá 03 ngày làm việc.

Tờ khai xác định lại dân tộc

Hướng dẫn cách điền Tờ khai đăng ký xác định lại dân tộc chi tiết:

Mục “kính gửi”: Bởi việc xác định lại dân tộc là thủ tục thay đổi dân tộc ban đầu của một người. Do đó, thẩm quyền cấp trích lục xác định lại dân tộc thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây.

– Nếu là đã đăng ký hộ tịch ở Việt Nam, giờ đang định cư ở nước ngoài thì sẽ là UBND cấp huyện nơi người đó đăng ký hộ tịch trước khi sang định cư ở nước ngoài.

– Nếu là người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì mục này sẽ ghi là UBND cấp huyện nơi người này cư trú.

Ví dụ: Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Mục “Nơi cư trú”:  Ghi theo địa chỉ đăng ký thường trú;

Nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo địa chỉ đăng ký tạm trú;

Trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.

Ví dụ: SN xxx, ngõ 12 phố Duy Tân, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Mục “Giấy tờ tùy thân”: Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế

Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2004

Mục “Đề nghị cơ quan đăng ký xác định việc”: Ghi rõ loại việc thực hiện. Ở đây là việc xác định lại dân tộc.

Mục “Đã đăng ký”: Ghi rõ loại việc hộ tịch đã đăng ký trước đây.

Ví dụ: khai sinh ngày 05 tháng 01 năm 2015 tại số 10 quyển số 01/2015 của UBND xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Mục “Nội dung thay đổi, cải chính, xác định lại dân tộc”: Ghi rõ nội dung thay đổi, cải chính, xác định lại dân tộc

Ví dụ: từ dân tộc Kinh thành dân tộc Mường

Mục “Lý do”: Ghi rõ lý do thay đổi, xác định lại dân tộc.

Ví dụ: Theo dân tộc của mẹ đẻ

Bài viết đã hướng dẫn cách ghi mẫu tờ khai xác định lại dân tộc giúp bạn nhanh chóng điền thông tin một cách chính xác. Hãy tham khảo nhiều biểu mẫu hơn nữa tại elead.com.vn để có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!

Biểu Mẫu - Tags: