Cách viết mẫu đơn xin nhận con nuôi đúng pháp luật

Mẫu đơn xin nhận con nuôi đúng pháp luật sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn về sau giữa cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi. Dưới đây là mẫu đơn xin nhận con nuôi chi tiết nhất, mời các bạn tham khảo.

Nội Dung Chính

1. Nuôi con nuôi là gì? Mục đích của việc nhận nuôi con nuôi

Theo quy định tại Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010, nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Theo đó, cha mẹ nuôi là người nhận con, con nuôi là người được nhận nuôi sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Do đó, việc nuôi con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
 

2. Thứ tự ưu tiên lựa chọn người nhận con nuôi

Khi muốn nhận con nuôi, người nhận nuôi nên để ý đến các thứ tự ưu tiên được lựa chọn quy định tại Điều 5 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:

– Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

– Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

– Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

– Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

3. Điều kiện để nhận nuôi con nuôi

Người nhận nuôi

Người nhận nuôi con nuôi trong nước khi muốn nhận con nuôi phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con 2010 như sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

– Có tư cách đạo đức tốt

Ngoài ra, những người sau đây không được phép nhận con nuôi:

– Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

– Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

– Đang chấp hành hình phạt tù;

-Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Con nuôi

Thường người được nhận nuôi sẽ là trẻ em dưới 16 tuổi. Nếu từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được nhận nuôi từ cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú,bác ruột. Và một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của một đôi vợ chồng.
 

 Nhận con nuôi vì lợi ích tốt nhất của bé

Nhận con nuôi vì lợi ích tốt nhất của bé (Ảnh minh họa)

4. Hệ quả của việc nhận nuôi con nuôi

Việc nhận con nuôi sẽ làm phát sinh quan hệ cha mẹ con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi. Theo đó, hệ quả của việc nhận con nuôi cụ thể như sau:

– Cha mẹ con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ con

– Con nuôi và các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với nhau

– Cha mẹ nuôi có thể thay đổi họ, tên cho con nuôi

– Dân tộc của con nuôi bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha mẹ nuôi

– Cha mẹ đẻ không còn quyền và nghĩa vụ gì với con cái trừ khi có thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ với cha mẹ nuôi

5. Thủ tục nhận nuôi con nuôi

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi

Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010, thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi thuộc về:

– UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người con nuôi hoặc người nhận nuôi nếu nhận con nuôi trong nước

– UBND, Sở Tư pháp cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương nơi thường trú của con nuôi khi việc nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.

– Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài nếu việc nhận nuôi con nuôi là của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài

Các giấy tờ cần có khi đăng ký nhận nuôi con nuôi

Đối với người nhận nuôi

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

– Đơn xin nhận con nuôi;

– Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; (Nếu có yếu tố nước ngoài thì Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế)

– Phiếu lý lịch tư pháp;

– Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp

Đối với việc nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì cần thêm các giấy tờ sau đây:

– Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

– Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi gồm có:

– Giấy khai sinh;

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

– Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi;

+ Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ đã chết;

+ Quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ mất tích

+ Quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự

+ Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Nếu có yếu tố nước ngoài thì cần bổ sung thêm các giấy tờ sau đây:

– Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;

– Tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhưng không thành.

Lệ phí khi đăng ký nhận nuôi con nuôi

Mức lệ phí được quy định cụ thể trong Nghị định 114/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

– Đăng ký nuôi con nuôi trong nước là 400.000 đồng/trường hợp.

– Đăng ký khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận công dân Việt Nam làm con nuôi là 9.000.000 đồng/trường hợp.

– Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận công dân Việt Nam làm con nuôi là 4.500.000 đồng/trường hợp.

– Người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nưới láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới Việt Nam làm con nuôi là 4.500.000 đồng/trường hợp.

– Đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: 150 đô la Mỹ/trường hợp.

6. Ví dụ cụ thể về Đơn xin nhận con nuôi

Chú thích:

Mục “Ảnh” dán ảnh của người được nhận làm con nuôi

Mục “Kính gửi” ghi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký con nuôi

Mục “Cơ sở nuôi dưỡng” bỏ trống nếu trẻ em đang sống cùng cha, mẹ đẻ. Khi sống ở cơ sở nuôi dưỡng thì phải ghi rõ tên, địa chỉ của cơ sở nuôi dưỡng.

Mục “Lý do nhận con nuôi”: Ghi rõ lý do nhận con nuôi trong từng trường hợp. Nêu nêu rõ, chi tiết và cụ thể.

Trên đây là mẫu đơn xin nhận con nuôi đúng pháp luật nhất, mời các bạn tham khảo nhé. Chúng tôi xin chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc vẹn toàn.

Biểu Mẫu - Tags: