Thông Tư 23/2011/TT-BVHTTDL thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
Thông tư 23/2011/TT-BVHTTDL thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình quy định nội dung thu thập thông tin, ghi chép, cập nhật thông tin vào “Sổ ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình”; xử lý, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi cả nước. Dưới đây là nội dung chi tiết nhất của thông tư.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
——————
Số: 23/2011/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————–
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011
THÔNG TƯ
Quy định thu thập, xử lý thông tin
về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành;
Căn cứ Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư hướng dẫn việc thu thập và xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định nội dung thu thập thông tin, ghi chép, cập nhật thông tin vào “Sổ ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình” (Sau đây gọi tắt là Sổ ghi chép); xử lý, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi cả nước.
- Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ở địa phương.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu của việc thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
- Mục đích
- Thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng gia đình và biến động qua từng thời kỳ, làm cơ sở hoạch định chính sách phục vụ quản lý nhà nước về gia đình;
- Thu thập thông tin về thực trạng bạo lực gia đình làm cơ sở để xác định phương hướng, giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
- Yêu cầu
– Thông tin được thu thập dưới hình thức ghi chép và cập nhật thông tin vào Sổ ghi chép;
– Việc ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, đầy đủ và chính xác;
– Chữ viết và chữ số khi ghi chép phải sạch sẽ, rõ ràng, dễ đọc;
– Trong trường hợp ghi sai thì gạch bỏ thông tin sai bằng cách gạch 1 gạch đè lên thông tin sai, rồi ghi thông tin đúng vào vị trí thích hợp, không được tẩy xoá thông tin đã ghi chép;
– Đối với những ô không có thông tin thì quy ước đánh chữ “X” để tránh trường hợp ghi thêm hoặc ghi nhầm thông tin.
– Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý số liệu.
Điều 3. Đối tượng thu thập thông tin
- Đối tượng thu thập thông tin về gia đình
Tất cả những hộ gia đình đã đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn các tỉnh/thành trong phạm vi cả nước.
- Đối tượng thu thập thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tất cả các vụ bạo lực gia đình được phát hiện, được xử lý trên địa bàn tỉnh/ thành trong cả nước.
Điều 4. Nội dung thu thập thông tin
- Thông tin về gia đình
– Tổng số hộ gia đình;
– Loại hình hộ gia đình;
– Hộ gia đình có người cao tuổi;
– Hộ gia đình có trẻ em;
– Hộ gia đình có người tảo hôn;
– Hộ gia đình có bạo lực gia đình;
– Hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
- Thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình
– Tổng số vụ bạo lực gia đình;
– Hình thức bạo lực gia đình;
– Người gây bạo lực gia đình: giới tính, biện pháp đã xử lý;
– Nạn nhân bị bạo lực gia đình: giới tính, độ tuổi;
– Số vụ bạo lực gia đình đã được xử lý;
– Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình: Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Điều 5. Quy định về Sổ ghi chép
- Phạm vi lập Sổ ghi chép
Sổ ghi chép được lập ở tất cả các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trong phạm vi cả nước.
- Thời điểm ghi chép sổ là ngày đầu tiên của tháng đầu quý 1 và quý 3.
- Mẫu sổ ghi chép
- Sổ ghi chép thông tin về gia đình (Phụ lục 01).
- Sổ ghi chép thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình (Phụ lục 02).
Điều 6. Trách nhiệm thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện ghi chép thông tin ban đầu, cập nhật thông tin theo thôn, ấp, bản (gọi chung là thôn) định kỳ 6 tháng, 1 năm và quản lý Sổ ghi chép;
- Phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnhcó trách nhiệm thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đóng trên địa bàn quản lý của mình định kỳ 6 tháng, 1 năm.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý của mình định kỳ 6 tháng, 1 năm.
Điều 7. Xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
- Báo cáo tổng hợp thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được gửi theo quy định sau:
- Biểu tổng hợp (Mẫu biểu số 01)6 tháng của cấp xã được hoàn thành và gửi về cấp huyện ngày 05 tháng 7 và biểu tổng hợp 1 năm được gửi chậm nhất ngày 05 tháng 12 hằng năm;
- Biểu tổng hợp (Mẫu biểu số 02) 6 tháng của cấp huyện được hoàn thành và gửi về cấp tỉnh ngày 10tháng 7 và biểu tổng hợp 1 năm được gửi chậm nhất ngày 10 tháng 12 hằng năm;
- Biểu tổng hợp (Mẫu biểu số 03) 6 tháng của cấp tỉnh được hoàn thành và gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ngày 15tháng 7và biểu tổng hợp 1 năm được gửi chậm nhất ngày 15 tháng 12 hằng năm.
- Các báo cáo được gửi dưới 2 hình thức: bằng văn bản và bằng tệp dữ liệu báo cáo (gửi kèm thư điện tử).
Điều 8. Tổ chức thực hiện
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện ghi chép Sổ, xử lý thông tin và báo cáo tổng hợp ở các cấp;
- Kiểm tra, đánh giá hoạt động và kết quả ghi chép Sổ, tổng hợp thông tin của các địa phương, báo cáo lãnh đạo Chính phủ theo định kỳ hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi cấp tỉnh quản lý và đảm bảo kinh phí để thực hiện;
- Kiểm tra việc thực hiện ghi chép Sổ tại địa phương.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện;
- Hướng dẫn về nghiệp vụ lập Sổ ghi chép, cách thức theo dõi, cập nhật, xử lý thông tin và lập các biểu báo cáo thống kê;
- Tổ chức in ấn và phát hành Sổ ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình;
- Kiểm tra, tổng hợp kết quả thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Thông tư này.
- Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh
- Chỉ đạo các phòng ban liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức việc lập Sổ và duy trì Sổ ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình;
- Kiểm tra việc ghi chép Sổ tại các địa bàn quản lý, xử lý thông tin, tổng hợp và lập báo cáo định kỳ và đột xuất gửi các cơ quan cấp trên theo quy định tại Thông tư này.
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
- Tổ chức thu thập thông tin, số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý;
- Lập Sổ và duy trì Sổ ghi chép thông qua việc tổ chức ghi chép thông tin ban đầu và cập nhật thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý;
- Xử lý, tổng hợp thông tin và lập báo cáo định kỳ và đột xuất gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 9. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí ghi chép ban đầu và cập nhật thông tin theo định kỳ do ngân sách địa phương đảm bảo.
Điều 10. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14 tháng 02 năm 2012.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung./.
Nơi nhận:
– VP Quốc hội;
– VP Chính phủ;
– VP Chủ tịch nước;
– VP TW và các Ban của Đảng;
– Toà án NDTC;
– Viện KSNDTC;
– Các Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Kiểm toán nhà nước;
– Cơ quan TW của các đoàn thể;
– Sở VHTTDL;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ VHTTDL;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Bộ trưởng; các Thứ trưởng;
– Vụ Pháp chế;
– Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL;
– Lưu: VT, GĐ. 14, T. 350.
BỘ TRƯỞNG
Hoàng Tuấn Anh
Thông tư 23/2011/TT-BVHTTDL thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ở địa phương có trách nhiệm thi hành. Hẹn gặp lại các bạn ở văn bản pháp luật sau.
Hôn Nhân Và Gia Đình - Tags: Thông Tư 23/2011/TT-BVHTTDL