Quyết định 1931/QĐ-BCT 2017 về việc áp dụng biện pháp tự vệ
Quyết định 1931/QĐ-BCT 2017 về việc áp dụng biện pháp tự vệ. Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ được thực hiện theo pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Cùng tìm hiểu nhé!
BỘ CÔNG THƯƠNG
——-Số: 1931/QĐ-BCT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2017
QUYẾT ĐỊNH
ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ
————
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 848/QĐ-BCT ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh;
Căn cứ Quyết định số 2847/QĐ-BCT ngày 06 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều tra áp dụng biện pháp tự vệ;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng tôn màu có mã HS: 7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226 9919, 7226.9999 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau với nội dung chi tiết nêu trong Thông báo gửi kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ được thực hiện theo pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 4;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ: TC, NG, TTTT;
– Các Thứ trưởng;
– Tổng cục Hải quan;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Công Thương;
– Các Cục/Vụ: CNNg, XNK, ĐB, KHCN;
– Văn phòng BCĐLN HNKT về Kinh tế;
– Hiệp hội Thép Việt Nam;
– Lưu: VT, QLCT (06).BỘ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh
THÔNG BÁO
V/V ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ CHÍNH THỨC
(Kèm theo Quyết định số 1931/QĐ-BCT ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Theo quy định của Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (Pháp lệnh về tự vệ) và Nghị định 150/2003/NĐ-CP ngay 08 tháng 12 năm 2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ, Bộ Công Thương thông báo nội dung chi tiết về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ như sau:
- Thông tin về Bên yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ
Bên yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu là 03 (ba) nhà sản xuất tôn màu của Việt Nam, cụ thể như sau:
- a) Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc
Địa chỉ: Lô CN 8, đường CN 5, KCN Sóng Thần III, phường Phú Tân, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Việt Nam.
- b) Công ty cổ phần thép Nam Kim
Địa chỉ: Đường N1, khu sản xuất An Thạnh, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam.
- c) Công ty cổ phần Tôn Đông Á
Địa chỉ: Số 5 đường số 5, Khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Dĩ An, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam.
- Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ
Tên khoa học: Prepainted Aluminium-Zinc alloy coated steel sheet and strip (Thép mạ hợp kim nhôm-kẽm phủ sơn dạng cuộn và băng), Prepainted Galvanized steel sheet and strip (Thép mạ kẽm phủ sơn dạng cuộn và băng), Prepainted Cold rolled steel sheet and strip (Thép cán nguội phủ sơn dạng cuộn và băng).
Tên thông thường: Tôn màu hay còn gọi là tôn mạ màu, bao gồm nhưng không giới hạn ở 3 loại hàng hóa phổ biến là: Tôn lạnh màu, Tôn kẽm màu và Tôn đen màu.
Tên thương mại: Prepainted Aluminium-Zinc alloy coated steel sheet and strip (PPGL), Prepainted Galvanized steel sheet and strip (PPGI), Prepainted Cold rolled steel sheet and strip (PPCR).
Đặc tính sản phẩm: là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ hợp kim nhôm/kẽm và được phủ sơn.
Hình dáng sản phẩm: có thể ở dạng cuộn, tấm, băng hoặc cán sóng
Phân loại theo mã HS: 7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226.9919, 7226.9999 (08 mã HS).
- Hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước
Hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ hợp kim nhôm-kẽm được phủ sơn (tôn lạnh màu, tôn kẽm màu, tôn đen màu) ở dạng cuộn, tấm, băng hoặc cán sóng. Tất cả hàng hóa này gọi chung là tôn màu. Những sản phẩm này được tiếp tục xử lý (được cắt hoặc được xẻ) với điều kiện là quá trình đó không làm thay đổi các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm.
Các đặc tính cơ bản: Tôn lạnh màu, Tôn kẽm màu, Tôn đen màu được sản xuất trên dây chuyền mạ màu, sử dụng thép nền là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội mạ hợp kim nhôm-kẽm, thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội mạ kẽm hoặc thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội. Lớp thép nền của sản phẩm được phủ sơn ở 2 mặt giúp tăng độ thẩm mỹ của sản phẩm. Tùy theo hệ sơn được sử dụng như hệ sơn polyester thông thường, hệ sơn polyester cao cấp… mà có thể gia tăng thêm các khả năng chống ăn mòn, chống phai màu hay chống tia cực tím trong những môi trường khắc nghiệt.
Mục đích sử dụng chính:
+ Tôn màu được ứng dụng trong xây dựng – kết cấu: tấm lợp, vách nhà xưởng, rèm che, máng xối, hệ thống thông gió…
+ Tôn màu được ứng dụng trong dân dụng: nhà xưởng, nhà kho, hàng rào, dụng cụ gia dụng, thùng phuy…
+ Tôn màu được ứng dụng trong trang trí nội thất: bàn ghế, cửa cuốn, cửa xếp, thiết bị văn phòng…
Ngoài ra tôn màu còn được sử dụng làm các loại ống thoát nước, ống gen điều hòa nhiệt độ, vỏ các thiết bị điện…
- Cơ sở áp dụng biện pháp tự vệ chính thức
4.1. Sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra
Lượng nhập khẩu tôn màu đã có sự gia tăng đáng kể và liên tục qua các năm trong giai đoạn 2013 – 2016. Năm 2016, tổng lượng nhập khẩu tôn màu vào Việt Nam là 590,685 tấn, tăng 70.67% so với năm 2015.1
Lượng nhập khẩu tôn màu giai đoạn 2013 – 2016
Đơn vị: Tấn
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Biến động tăng tương đối của tôn màu nhập khẩu giai đoạn 2013 – 2016
Đơn vị
Năm 2013
Năm 2014
Năm 2015
Năm 2016
Lượng nhập khẩu
Tấn
130,798
205,254
346,098
590,685
Tăng/giảm (a)
%
–
56.92
68.62
70.67
Lượng hàng bán được sản xuất trong nước
Index 100
100.00
108.40
134.01
145.68
Tăng/giảm (b)
%
–
8.40
23.63
8.71
Tỷ lệ tăng tương đối của nhập khẩu so với bán hàng trong nước (c)=(a)-(b)
%
–
48.52
44.99
61.96
Nguồn: Tổng cục Hải quan và Cơ quan điều tra tổng hợp
Do đó Cơ quan điều tra kết luận hàng hóa nhập khẩu có sự gia tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước.
4.2. Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước
Theo kết quả điều tra, đánh giá và phân tích tình hình của ngành sản xuất trong nước, các chỉ số đã cho thấy có sự đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian trước mắt, cụ thể như sau:
– Tổng sản lượng sản xuất tôn màu năm 2016 giảm 1.30% so với năm 2015. Trong đó, 2 nhóm sản phẩm: tôn kẽm màu và tôn đen màu trong năm 2016 đều có suy giảm về lượng sản xuất, đặc biệt tôn đen màu giảm 44.77% so với năm 2015. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất tôn lạnh màu vẫn tăng 5.95% trong năm 2016.
– Công suất sử dụng của ngành năm 2016 là 53.34%, là mức sử dụng công suất thấp nhất trong giai đoạn 2013-2016.
– Về lượng bán hàng trong nước, tổng lượng bán hàng tôn màu được sản xuất trong nước năm 2016 tăng 8.71% so với năm 2015. So với mức tăng 31.81% của tổng lượng tiêu thụ trên toàn thị trường, lượng bán hàng trong nước đã tăng trưởng thấp hơn so với sức tăng của nhu cầu thị trường.
– Thị phần của ngành sản xuất trong nước sụt giảm liên tục trong giai đoạn 2013-2016, năm 2016 thị phần của ngành sản xuất trong nước là 71.29 (theo index 100), thấp hơn đáng kể so với năm 2013 là 100 (theo index 100).
– Lượng lao động của ngành năm 2016 giảm 1.52% so với năm 2015.
– Bình quân tồn kho tôn màu của ngành sản xuất trong nước cũng có sự gia tăng liên tục qua các năm, trong đó lượng tồn kho năm 2016 tăng 37.88% so với năm 2015 và cao nhất trong giai đoạn 2013-2016.
– Chỉ số về đầu tư của ngành sản xuất trong nước năm 2016 giảm 14.85%, giảm tương đối mạnh so với năm 2015.
4.3. Mối quan hệ nhân quả
Từ thông tin và chứng cứ thu thập được cho thấy có mối liên quan rõ ràng giữa lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra gia tăng đột biến và sự suy giảm gây ra cho ngành sản xuất trong nước, cụ thể:
– Thị phần của ngành sản xuất trong nước liên tục sụt giảm là hậu quả của thị phần tôn màu nhập khẩu gia tăng đột biến trong giai đoạn điều tra.
– Lượng cầu trong nước liên tục gia tăng và dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2016. Điều này cho thấy lượng cầu trong nước không phải là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
– Trong giai đoạn 2013-2016, năng suất lao động của sản xuất tôn màu đều tăng cao, cho thấy không phải thiệt hại của ngành sản xuất trong nước đến từ năng suất lao động kém.
– Các yếu tố khác như khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm… của ngành sản xuất trong nước đều ổn định trong thời gian qua và không ảnh hưởng đến thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
4.4. Kết luận của Cơ quan điều tra
Căn cứ thông tin do các bên liên quan cung cấp và các phân tích tại kết luận cuối cùng, Cơ quan điều tra đánh giá như sau:
– Số liệu về ngành sản xuất trong nước được tập hợp từ số liệu của các doanh nghiệp sản xuất tôn màu trong nước chiếm hơn 99% tổng sản lượng toàn ngành.
– Tôn màu được sản xuất bởi các nhà sản xuất trong nước và tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam được xác định là hàng hóa tương tự.
– Trong giai đoạn điều tra, khối lượng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam tăng cả về mạ tuyệt đối và tương đối so với sản xuất trong nước.
– Có sự ép giá và kìm giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa tương tự sản xuất trong nước.
– Ngành sản xuất trong nước bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng về các chỉ số như: sản lượng, công suất, lượng bán hàng trong nước, thị phần, tồn kho, nhân công, đầu tư trong giai đoạn 2013-2016.
- Kế hoạch điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước
Trước những khó khăn do hàng hóa nhập khẩu gây ra, ngành sản xuất trong nước đã xây dựng và triển khai một số kế hoạch điều chỉnh để thích ứng, duy trì việc sản xuất và bán hàng tại thị trường Việt Nam, cụ thể:
5.1. Kế hoạch về thị trường
Ngành sản xuất trong nước đang tập trung thực hiện chính sách bán hàng hợp lý kích cầu, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình đồng thời xây dựng đồng bộ các lợi thế cạnh tranh cho từng doanh nghiệp. Ngoài ra, với việc củng cố các kênh phân phối rộng khắp cả nước và phát triển kênh phân phối hiện đại, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng; đào tạo, xây dựng lực lượng bán hàng chuyên nghiệp; quảng bá thương hiệu; nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu thụ trên cả hai mảng thị trường dân dụng và thị trường dự án. Ngành sản xuất trong nước đang phấn đấu xây dựng niềm tin của người tiêu dùng nội địa vào các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lý, tuyên truyền người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, loại trừ hàng giả, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tích cực lập lại trật tự thị trường với nhiều nỗ lực tạo ra lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
5.2. Kế hoạch về sản xuất
Ngành sản xuất trong nước đang nỗ lực hợp lý hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu suất sử dụng thiết bị; sử dụng nhiên liệu thay thế, áp dụng các giải pháp công nghệ để tiết kiệm chi phí, hạ thấp giá thành sản xuất; tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá rẻ, giảm giá mua nguyên vật liệu bằng cách ký các hợp đồng cung cấp khối lượng lớn và dài hạn.
5.3. Kế hoạch xuất khẩu
Với thực trạng thị trường nội địa bị lấn át bởi lượng hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, trong thời gian qua, ngành thép Việt Nam nói chung và ngành sản xuất trong nước nói riêng buộc phải tập trung phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu.
Từ nước nhập thép trong khu vực Asean, Việt Nam đã dần trở thành nước xuất khẩu thép mạnh trong khu vực. Với việc Việt Nam tham gia vào Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), ngành thép Việt Nam được ưu đãi về thuế suất, cùng với lợi thế khoảng cách địa lý giúp sản phẩm thép của Việt Nam tăng sức cạnh tranh và chống chọi tốt hơn với thép Trung Quốc khi xuất khẩu vào các nước thành viên AEC.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất trong nước kỳ vọng sau khi tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), lượng thép xuất khẩu sẽ chiếm khoảng trên 50% tổng lượng tiêu thụ (hiện chiếm khoảng 30%). Với phần lớn lượng phôi thép được nhập khẩu từ Hoa Kỳ và Nhật Bản, thép Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn khi thâm nhập thị trường các nước thành viên TPP. Tuy nhiên, tình hình thế giới có nhiều phức tạp, nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực thực tiễn, dẫn tới việc xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, ngành sản xuất trong nước luôn ưu tiên cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, song song với việc hài hòa giữa bán trong nước và xuất khẩu.
- Hình thức áp dụng biện pháp tự vệ chính thức
Căn cứ Điều 3 Pháp lệnh về Tự vệ, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức bằng hạn ngạch thuế quan đối với tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam trong 03 (ba) năm kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ có hiệu lực.
Căn cứ Điều 5.1 và Điều 5.2 Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Công Thương thông báo về lượng hạn ngạch nhập khẩu không chịu thuế tự vệ (tương đương mức thuế tự vệ trong hạn ngạch là 0%) của hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, cụ thể như sau:
LƯỢNG HẠN NGẠCH NHẬP KHẨU KHÔNG CHỊU THUẾ TỰ VỆ PHÂN BỔ THEO CÁC QUỐC GIA/VÙNG LÃNH THỔ
Lượng hạn ngạch nhập khẩu không chịu thuế tự vệ (tấn)
Mức thuế tự vệ2 ngoài hạn ngạch
Trung Quốc
Hàn Quốc
Lãnh thổ Đài Loan
Quốc gia/vùng lãnh thổ khác
Tổng hạn ngạch không chịu thuế tự vệ
Năm thứ nhất (Từ 15/6/2017 đến 14/6/2018)
323,120
34,451
14,428
8,680
380,679
19.00%
Năm thứ hai (Từ 15/6/2018 đến 14/6/2019)
355,432
37,897
15,871
9,547
418,747
19.00%
Năm thứ ba (Từ 15/6/2019 đến 14/6/2020)
390,976
41,686
17,458
10,502
460,622
19.00%
Năm thứ tư (Từ 15/6/2020 trở đi (nếu không gia hạn)
0
0
0
0
0
0.00%
- Các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ
Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, biện pháp tự vệ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu 05 xuất xứ từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển và kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu với điều kiện tổng nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ này không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam. Danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ được liệt kê tại Phụ lục 1 của Thông báo này.
- Miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu chất lượng cao
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu tôn màu chất lượng cao phục vụ mục đích đặc biệt (bao gồm nhưng không giới hạn ở các loại tôn màu phủ sơn PVDF sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện; tôn màu PCM và tôn màu VCM sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử và điện gia dụng), Bộ Công Thương sẽ có Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ căn cứ trên Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ của các công ty trực tiếp sử dụng các mặt hàng tôn màu chất lượng cao nói trên.
Mẫu Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ và quy trình miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ được thể hiện tại Phụ lục 2 của Thông báo này.
Danh sách các công ty được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ và lượng tôn màu chất lượng cao được miễn trừ của từng công ty được công khai trên website của Cục Quản lý cạnh tranh.
- Cơ chế kiểm soát nhập khẩu đối với tôn màu
9.1. Quy định về cửa khẩu
Căn cứ Khoản 3 Điều 7 Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20 tháng 11 năm 2013, Bộ Công Thương quy định như sau:
– Để được áp dụng: (1) mức thuế tự vệ trong hạn ngạch nhập khẩu đã phân bổ tại Mục 63; và (2) miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu chất lượng cao quy định tại mục 8, việc nhập khẩu tôn màu và các thủ tục hải quan chỉ được thực hiện tại các cảng tại Thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
– Tôn màu có xuất xứ từ tất cả các nước/vùng lãnh thổ khi nhập khẩu vào Việt Nam tại các cảng còn lại chịu mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch4.
9.2. Đối với tôn màu không có Giấy Chứng nhận xuất xứ
Các lô hàng tôn màu không có Giấy Chứng nhận xuất xứ khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chịu mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch.
9.3. Đối với tôn màu có xuất xứ từ Trung Quốc
– Đối với tôn màu nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, theo quy định của Bộ Thương mại Trung Quốc, các doanh nghiệp nhập khẩu muốn được áp dụng mức thuế tự vệ trong hạn ngạch phải xuất trình Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan (Self-Restricitng Tariff Rate Quantity)” do Hiệp hội Thương gia xuất nhập khẩu công nghiệp hóa chất ngũ khoáng Trung Quốc (China Chamber of Commerce of Metals, Minerals and Chemicals Importers and Exporters – CCCMC) cấp.
– Mẫu Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” nói trên do CCCMC cung cấp sẽ được công khai trên website của Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh.
– Tổng Cục Hải quan sẽ đối chiếu Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” do doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp với thông tin do CCCMC cung cấp cho Tổng cục Hải quan định kỳ. Chỉ các lô hàng có Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” đúng với thông tin do CCCMC cung cấp cho Tổng cục Hải quan mới được hưởng mức thuế tự vệ trong hạn ngạch.
9.4. Đối với tôn màu có xuất xứ từ Hàn Quốc
– Đối với tôn màu nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc, theo quy định của Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc, các doanh nghiệp nhập khẩu muốn được áp dụng mức thuế tự vệ trong hạn ngạch phải xuất trình Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” do Hiệp hội Thép Hàn Quốc cấp.
– Mẫu Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” nói trên do Hiệp hội Thép Hàn Quốc cung cấp sẽ được công khai trên website của Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh.
– Tổng Cục Hải quan sẽ đối chiếu Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” do doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp với thông tin do Hiệp hội Thép Hàn Quốc cung cấp cho Tổng cục Hải quan định kỳ. Chỉ các lô hàng có Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” đúng với thông tin do Hiệp hội Thép Hàn Quốc cung cấp cho Tổng cục Hải quan mới được hưởng mức thuế tự vệ trong hạn ngạch.
9.5. Đối với tôn màu có xuất xứ từ Lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan)
– Đối với tôn màu nhập khẩu có xuất xứ từ Đài Loan, theo quy định của Bộ Kinh tế Đài Loan, các doanh nghiệp nhập khẩu muốn được hưởng mức thuế tự vệ trong hạn ngạch phải xuất trình Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” do Cục Thương mại Quốc tế (thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan) cấp.
– Mẫu Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” nói trên do Cục Thương mại Quốc tế Đài Loan cung cấp sẽ được công khai trên website của Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh.
– Tổng Cục Hải quan sẽ đối chiếu Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan’’ do doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp với thông tin do Cục Thương mại Quốc tế Đài Loan cung cấp cho Tổng cục Hải quan định kỳ. Chỉ các lô hàng có Giấy chứng nhận “Hạn ngạch thuế quan” đúng với thông tin do Cục Thương mại Quốc tế Đài Loan cung cấp cho Tổng cục Hải quan mới được hưởng mức thuế tự vệ trong hạn ngạch.
9.6. Đối với tôn màu có xuất xứ từ các nước/vùng lãnh thổ khác
Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ tiến hành việc trừ lùi tự động đối với lượng hạn ngạch không chịu thuế tự vệ cho các lô hàng có xuất xứ từ các nước/vùng lãnh thổ còn lại theo quy định tại Mục 6, trừ các lô hàng có được áp dụng biện pháp miễn trừ theo quy định tại Mục 8 và các lô hàng có xuất xứ từ các nước/vùng lãnh thổ được quy định tại Mục 7, Mục 9.3, Mục 9.4 và Mục 9.5 của Thông báo này.
- Khiếu nại
Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân có căn cứ cho thấy Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ này vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức/cá nhân có quyền khiếu nại Quyết định này theo Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011 và theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh về tự vệ.
- Thông tin liên hệ
Thông tin về Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm tôn màu có thể truy cập tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (http://www.moit.gov.vn) và Cục Quản lý cạnh tranh http://www.vca.gov.vn).
Mọi câu hỏi, thắc mắc và ý kiến của các tổ chức, cá nhân về việc áp dụng biện pháp tự vệ này xin gửi về:
Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước
Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (+844) 22205002 (Máy lẻ: 1039) hoặc (+844) 22205018
Cán bộ phụ trách vụ việc:
* Chị Phạm Châu Giang; Email: [email protected];
* Anh Nguyễn Hữu Trường Hưng; Email: [email protected];
* Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga; Email: [email protected];
PHỤ LỤC 1
(Kèm theo Thông báo đi kèm Quyết định số 1931/QĐ-BCT ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
DANH SÁCH CÁC NƯỚC/VÙNG LÃNH THỔ ĐƯỢC MIỄN TRỪ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ CHÍNH THỨC
- Tiểu vùng Sahara – Châu Phi
Angola
Madagascar
Nigeria
Benin
Malawi
Rwanda
Botswana
Mali
Sao Tome and Principe
Burkina Faso
Mauritania
Senegal
Burundi
Mauritius
Sierra Leone
Cabo Verde
Mozambique
Somalia
Cameroon
Namibia
South Africa
Central African Republic
Niger
South Sudan
Chad
Gabon
Sudan
Comoros
Gambia, The
Swaziland
Congo, Dem. Rep.
Ghana
Tanzania
Congo, Rep.
Guinea
Togo
Cote d’Ivoire
Guinea-Bissau
Uganda
Eritrea
Kenya
Zambia
Ethiopia
Lesotho
Zimbabwe
Liberia
- Châu Á – Thái Bình Dương
American Samoa
Myanmar
Cambodia
Palau
Fiji
Papua New Guinea
Indonesia
Philippines
Kiribati
Samoa
Korea, Dem. Rep.
Solomon Islands
Lao PDR
Thailand
Malaysia
Timor-Leste
Marshall Islands
Tonga
Micronesia, Fed. Sts.
Tuvalu
Mongolia
Vanuatu
- Châu Âu và Trung Á
Albania
Macedonia, FYR
Armenia
Moldova
Azerbaijan
Montenegro
Belarus
Romania
Bosnia and Herzegovina
Serbia
Bulgaria
Tajikistan
Georgia
Turkey
Kazakhstan
Turkmenistan
Kosovo
Ukraine
Kyrgyz Republic
Uzbekistan
- Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê
Belize
Guyana
Bolivia
Haiti
Brazil
Honduras
Colombia
Jamaica
Costa Rica
Mexico
Cuba
Nicaragua
Dominica
Panama
Dominican Republic
Paraguay
Ecuador
Peru
El Salvador
St. Lucia
Grenada
St. Vincent and the Grenadines
Guatemala
Suriname
- Trung Đông và Bắc Phi
Algeria
Libya
Djibouti
Morocco
Egypt, Arab Rep.
Syrian Arab Republic
Iran, Islamic Rep.
Tunisia
Iraq
West Bank and Gaza
Jordan
Yemen, Rep.
Lebanon
- Nam Á
Afghanistan
Maldives
Bangladesh
Nepal
Bhutan
Pakistan
India
Sri Lanka
PHỤ LỤC 2
(Kèm theo Thông báo đi kèm Quyết định số 1931/QĐ-BCT ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
QUY TRÌNH MIỄN TRỪ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHẬP KHẨU TÔN MÀU CHẤT LƯỢNG CAO
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu tôn màu chất lượng cao phục vụ mục đích đặc biệt theo quy định tại Mục 8 của Thông báo: để được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ phải tiến hành theo quy trình như sau:
– Bước 1 (Đăng ký áp dụng biện pháp miễn trừ): Các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất có nhu cầu sử dụng tôn màu nhập khẩu chất lượng cao gửi Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đến Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương. Hồ sơ cần có các tài liệu như sau:
+ Đơn đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ (theo mẫu được đăng tải trên website của Cục Quản lý cạnh tranh);
+ Hồ sơ về năng lực sản xuất hàng hóa có sử dụng đầu vào là tôn màu chất lượng cao;
+ Nhu cầu sử dụng hàng năm đối với tôn màu chất lượng cao;
+ Khác biệt (về đặc tính lý hóa học, bề mặt sản phẩm..) giữa sản phẩm tôn màu chất lượng cao và tôn màu thông thường;
– Bước 2 (Thẩm định hồ sơ và ban hành Quyết định miễn trừ): Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ của doanh nghiệp, Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành việc thẩm định và đánh giá hồ sơ của doanh nghiệp, việc thẩm định có thể được thực hiện tại doanh nghiệp (nếu cần). Sau khi thẩm định, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, ban hành Quyết định về việc miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu chất lượng cao. Doanh nghiệp nộp Quyết định miễn trừ của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho cơ quan Hải quan để được cấp Giấy phép trừ lùi lượng nhập khẩu được miễn trừ. Danh sách các công ty được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ và lượng tôn màu chất lượng cao được miễn trừ của từng công ty được công khai trên website của Cục Quản lý cạnh tranh.
– Bước 3 (Báo cáo định kỳ): Định kỳ hàng Quý, các doanh nghiệp được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ phải nộp Báo cáo (theo mẫu) tình hình nhập khẩu tôn màu chất lượng cao đến Cục Quản lý cạnh tranh. Trong trường hợp doanh nghiệp không gửi báo cáo đúng hạn cho Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ thu hồi Quyết định miễn trừ đã cấp.
– Bước 4 (Kiểm tra sau miễn trừ): Hàng năm, Cục Quản lý cạnh tranh có thể tổ chức kiểm tra tình hình sản xuất thực tế và các giao dịch nhập khẩu hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ trong năm của từng công ty. Cục Quản lý cạnh tranh cũng có thể tiến hành kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp được áp dụng biện pháp miễn trừ nếu phát hiện có dấu hiệu cho thấy hàng hóa nhập khẩu được hưởng miễn trừ đã được sử dụng sai mục đích.
– Bước 5 (Xử lí vi phạm): Trường hợp Cục Quản lý cạnh tranh kết luận sản phẩm được hưởng miễn trừ đã được sử dụng sai mục đích, Bộ Công Thương sẽ thu hồi Quyết định cho phép hưởng miễn trừ và doanh nghiệp sẽ bị truy thu số tiền thuế nhập khẩu đã được miễn trừ theo quy định của pháp luật.
1 Các số liệu trong Thông báo này được định dạng theo tiêu chuẩn mặc định của Chương trình Microsoft Office Excel)
2 Theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu 2016: Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước
3 Trong vụ việc này, mức thuế tự vệ trong hạn ngạch là 0.00%.
4 Trong vụ việc này, mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch là 19.00%.
Quyết định 1931/QĐ-BCT 2017 về việc áp dụng biện pháp tự vệ được chia sẻ trên đây với nội dung đầy đủ và chi tiết hi vọng đã giúp bạn có được những thông tin tham khảo hữu ích. Hãy tải file về máy để tìm hiểu rõ hơn nhé!
Chính Sách - Tags: Quyết định 1931/QĐ-BCTNghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới
Thông báo 439/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị
Công văn 9708/VPCP-NN 2019 báo cáo thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh
Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002
Quyết định 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015
Thông báo 439/TB-VPCP 2018 kết luận về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Quyết định 26/2019/QĐ-UBND Hà Nam chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa