Thông Tư 42/2018/TT-BYT đào tạo bổ sung người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp
Thông tư 42/2018/TT-BYT đào tạo bổ sung người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp ban hành. Thông tư này quy định về cơ sở, đối tượng, nội dung, thời gian đào tạo bổ sung và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung để được coi là tương đương với văn bằng bác sỹ và được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với chức danh là bác sỹ theo ngành đào tạo đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp.
BỘ Y TẾ
——-Số: 42/2018/TT-BYT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2018
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO BỔ SUNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ VĂN BẰNG CỬ NHÂN Y KHOA DO NƯỚC NGOÀI CẤP
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 tháng 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về đào tạo bổ sung đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về cơ sở, đối tượng, nội dung, thời gian đào tạo bổ sung và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung để được coi là tương đương với văn bằng bác sỹ và được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với chức danh là bác sỹ theo ngành đào tạo đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp.
Điều 2. Cơ sở đào tạo bổ sung
Cơ sở đào tạo bổ sung là cơ sở giáo dục đang đào tạo trình độ đại học ngành tương ứng với ngành đào tạo bổ sung và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Có đủ các điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Có cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
4. Có ít nhất một khóa tốt nghiệp đúng ngành đào tạo bổ sung.
Điều 3. Đối tượng đào tạo bổ sung
Công dân Việt Nam có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học có nhu cầu đào tạo bổ sung để thực hành tại bệnh viện và đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 4. Xác định ngành đào tạo bổ sung
1. Người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được xác định ngành đào tạo bổ sung như sau:
a) Ngành Y khoa đối với người đã hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân y khoa do nước ngoài cấp trong đó có tổng khối lượng kiến thức thuộc các môn học/học phần chuyên ngành về lĩnh vực Nội, Ngoại, Sản, Nhi và chuyên khoa hệ Nội, hệ Ngoại chiếm trên 35% tổng khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo.
b) Ngành Răng Hàm Mặt đối với chương trình đào tạo cử nhân y khoa do nước ngoài cấp trong đó có tổng khối lượng kiến thức thuộc các môn học/học phần chuyên ngành về lĩnh vực Răng Hàm Mặt chiếm trên 35% tổng khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo.
c) Ngành Y học cổ truyền đối với chương trình đào tạo cử nhân y khoa do nước ngoài cấp trong đó có tổng khối lượng kiến thức thuộc các môn học/học phần chuyên ngành về lĩnh vực Y học cổ truyền chiếm trên 35% tổng khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo.
2. Trên cơ sở văn bằng cử nhân y khoa và bảng điểm của người có nhu cầu đào tạo bổ sung, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định ngành đào tạo bổ sung của người đó theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 5. Khối lượng kiến thức, thời gian và nội dung đào tạo bổ sung
1. Đối với ngành Y khoa:
Khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung là 48 tín chỉ tương ứng với 18 tháng học tập trung, trong đó:
a) Khối lượng kiến thức chuyên ngành thuộc lĩnh vực Nội, Ngoại, Sản, Nhi: 32 tín chỉ;
b) Khối lượng kiến thức chuyên khoa hệ nội: 05 tín chỉ;
c) Khối lượng kiến thức chuyên khoa hệ ngoại: 05 tín chỉ;
d) Khối lượng kiến thức y học dự phòng và y tế công cộng: 06 tín chỉ.
2. Đối với ngành Răng Hàm Mặt:
Khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung là 40 tín chỉ tương ứng với 12 tháng học tập trung, trong đó:
a) Khối lượng kiến thức Nha khoa cơ sở: 06 tín chỉ;
b) Khối lượng kiến thức Nha khoa phục hồi: 15 tín chỉ;
c) Khối lượng kiến thức Nha khoa dự phòng: 10 tín chỉ;
d) Khối lượng kiến thức Bệnh lý và phẫu thuật Miệng – Hàm mặt: 09 tín chỉ.
e) Khối lượng kiến thức tự chọn thuộc lĩnh vực chuyên ngành Răng Hàm Mặt: 10 tín chỉ
3. Đối với ngành Y học cổ truyền:
Khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung là 40 tín chỉ tương ứng với 12 tháng học tập trung, trong đó:
a) Khối lượng kiến thức về Điều dưỡng: 02 tín chỉ;
b) Khối lượng kiến thức về thực hành tiền lâm sàng: 03 tín chỉ;
c) Khối lượng kiến thức chuyên ngành thuộc lĩnh vực Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Phục hồi chức năng: 28 tín chỉ;
d) Khối lượng kiến thức chuyên ngành về Y học cổ truyền: 07 tín chỉ.
4. Trên cơ sở khối lượng kiến thức, thời gian tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và chương trình đào tạo cử nhân y khoa do nước ngoài cấp kèm theo bảng điểm của người có nhu cầu đào tạo bổ sung, Thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, ban hành chương trình đào tạo bổ sung theo từng ngành phù hợp với đối tượng đào tạo để có đủ năng lực tương đương bác sỹ của ngành đào tạo tương ứng. Chương trình đào tạo bổ sung phải bảo đảm số tín chỉ về đào tạo thực hành lâm sàng tối thiểu 70% của tổng khối lượng kiến thức chương trình đào tạo.
Điều 6. Kiểm tra đầu vào
1. Người có nhu cầu đào tạo bổ sung phải thực hiện 2 (hai) bài kiểm tra về kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành/chuyên ngành; mỗi bài phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng từ 5 (năm) điểm trở lên theo thang điểm 10 mới được xét tuyển.
2. Hình thức: trắc nghiệm 90 phút hoặc tự luận 120 phút.
3. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định về hình thức, nội dung bài kiểm tra và thông báo công khai trước 45 ngày, kể từ khi nhận hồ sơ đăng ký đào tạo bổ sung.
Điều 7. Chỉ tiêu đào tạo bổ sung
Cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu đào tạo bổ sung hàng năm không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học của ngành tương ứng trong năm học đó. Chỉ tiêu đào tạo bổ sung không nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hằng năm đã được cơ sở đào tạo xác định theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 8. Hình thức, tổ chức và quản lý đào tạo
1. Hình thức đào tạo: tập trung tại cơ sở đào tạo.
2. Cơ sở đào tạo tổ chức quản lý và triển khai đào tạo bổ sung của từng ngành theo chương trình được xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.
3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá các môn học/học phần trong chương trình đào tạo thực hiện theo quy định của quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ và tài liệu liên quan của các khóa đào tạo tại đơn vị và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
5. Quản lý việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung theo quy định cấp phát văn bằng chứng chỉ hiện hành.
6. Quản lý người học theo quy chế công tác sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Kiểm tra, đánh giá kết quả đầu ra
Cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực đầu ra đối với mỗi học viên để đảm bảo người học có năng lực tương đương bác sĩ cùng ngành tại cơ sở đào tạo.
Điều 10. Cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung
1. Người học được cơ sở đào tạo cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Không đang trong thời gian bị cơ sở đào tạo kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
c) Tham gia đủ thời gian và tích lũy đủ các tín chỉ của chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo ban hành;
d) Kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực đầu ra đạt yêu cầu;
đ) Hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với cơ sở đào tạo.
2. Mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Kinh phí đào tạo bổ sung
1. Các cơ sở đào tạo bổ sung xác định chi phí đào tạo bổ sung theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở lấy thu bù chi và công khai minh bạch.
2. Kinh phí đào tạo bổ sung do đối tượng đào tạo bổ sung tự chi trả.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 03 năm 2019.
2. Các cơ sở đào tạo bổ sung được đào tạo bổ sung kể từ khi Thông tư này có hiệu lực và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung quy định tại Điều 10 Thông tư này.
Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với những người đã được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh cử nhân y khoa thì được cấp đổi thành bác sỹ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ.
2. Đối với những người đã được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo bổ sung theo quy định trước khi Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề thì sau khi đủ điều kiện về thời gian thực hành tại bệnh viện được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sỹ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ.
3. Đối với những người đang được đào tạo bổ sung trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục đào tạo để đạt được kết quả đầu ra theo chương trình đào tạo đã được cơ sở đào tạo phê duyệt và được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo bổ sung theo quy định trước khi Thông tư này có hiệu lực.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các các cơ sở đào tạo bổ sung triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Cơ sở đào tạo báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá đầu vào và kết quả xét cấp giấy chứng nhận đào tạo bổ sung về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh, báo cáo về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
– Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (để b/c);
– Văn phòng chính phủ (Vụ KGVX, công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ);
– Bộ trưởng (để b/c);
– Các đồng chí Thứ trưởng (để biết);
– Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– UBND tỉnh, Tp trực thuộc TW;
– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các đơn vị thuộc Bộ Y tế;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
– Y tế các Bộ, ngành;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
– Lưu: VT, K2ĐT(5), PC.KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNGNguyễn Trường Sơn
PHỤ LỤC
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 42/2018/TT-BYT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
CƠ QUAN CHỦ QUẢN
(TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO)
——-CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————Số: ………/GCN-(tên CSĐT)1
GIẤY CHỨNG NHẬN
HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BỔ SUNG(THỦ TRƯỞNG)
(TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO)
Chứng nhận ông (bà): ………………………………………………
Sinh ngày: …………../ ………….. / …………..
Nơi sinh: ……………………….
Đã hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung ngành …………………………………… dành cho đối tượng Cử nhân y khoa do nước ngoài cấp bằng.
Thời gian học: Từ …………../ …………../. ………….. đến …………../. …………../ …………..
Tổng số tín chỉ: ………….. tín chỉ
Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học: …………..
Xếp loại: ………………………
2…………., ngày …….. tháng …….. năm .……….
(THỦ TRƯỞNG CƠ SỞ ĐÀO TẠO)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)………………………………………
______________________
1 Viết tắt bằng chữ in hoa.
2 Địa danh cấp tỉnh nơi cơ sở đào tạo có trụ sở.
Thông tư 42/2018/TT-BYT đào tạo bổ sung người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp có hiệu lực từ ngày 01 tháng 03 năm 2019. Mời quý độc giả tham khảo thêm thông tin pháp luật khác trên trang elead.com.vn nhé.
Y Tế - Tags: Thông Tư 42/2018/TT-BYTThông Tư 51/2017/TT-BYT hướng dẫn về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ
Thông Tư 30/2018/TT-BYT điều kiện thanh toán các thuốc hóa dược, sinh phẩm cho người tham gia BHYT
Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV về việc Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ
Thông Tư 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt
Thông tư 06/2009/TT-BYT quy định về định mức thuốc thiết yếu và các vật tư tiêu hao trong các dịch vụ, thủ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản
Thông Tư 38/2018/TT-BYT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Y tế
Thông Tư 01/2019/TT-BYT điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền
Công Văn 6705/QLD-ĐK năm 2018 Đính chính Danh mục nguyên liệu dược chất làm thuốc NK không phải cấp phép
Công Văn 13030/QLD-ĐK 2016 đính chính quyết định cấp số đăng ký thuốc nước ngoài
Quyết Định 359/QĐ-QLD 2019 thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm
Quyết Định 2570/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn điều trị hỗ trợ cho những trường hợp tăng men gan trong cộng đồng
Quyết Định 303/QĐ-QLD về 141 thuốc sản xuất trong nước được cấp giấy đăng kí lưu hành tại Việt Nam
Quyết định 1303/QĐ-BYT 2016 về các bệnh viện tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh
Quyết định 4939/QĐ-BYT 2016 Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công