Thông Tư 64/2015/TT-BTNMT Quy chuẩn về giới hạn cho phép kim loại nặng trong đất
Thông tư 64/2015/TT-BTNMT Quy chuẩn về giới hạn cho phép kim loại nặng trong đất quy định giá trị giới hạn hàm lượng tổng số của một số kim loại nặng: Asen (As), Cadimi (Cd), Đồng (Cu), Chì (Pb), Kẽm (Zn) và Crom (Cr) trong tầng đất mặt theo mục đích sử dụng đất. Ngay dưới đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cụ thể nhé.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
——-Số: 64/2015/TT-BTNMT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2015
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: QCVN 03-MT: 2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2016
Điều 3. Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo; Cổng TTĐT của Chính phủ;
– Các đơn vị thuộc Bộ TN&MT,
– Cổng TTĐT của Bộ TN&MT;
– Lưu: VT, TCMT, KHCN, PC, Th (230).BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Minh Quang
QCVN 03-MT:2015/BTNMT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ GIỚI HẠN CHO PHÉP CỦA MỘT SỐ KIM LOẠI NẶNG TRONG ĐẤT
National technical regulation on the allowable limits of heavy metals in the soils
Lời nói đầu
QCVN 03-MT:2015/BTNMT do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất biên soạn, sửa đổi QCVN 03:2008/BTNMT; Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt, ban hành theo Thông tư số 64/2015/TT-BTNMT ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ GIỚI HẠN CHO PHÉP CỦA MỘT SỐ KIM LOẠI NẶNG TRONG ĐẤT
National technical regulation on the allowable limits of heavy metals in the soils
- QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn hàm lượng tổng số của một số kim loại nặng: Asen (As), Cadimi (Cd), Đồng (Cu), Chì (Pb), Kẽm (Zn) và Crom (Cr) trong tầng đất mặt theo mục đích sử dụng đất.
Quy chuẩn này không áp dụng cho đất thuộc phạm vi các khu mỏ; đất rừng tự nhiên; đất rừng đặc dụng: vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng đất trên lãnh thổ Việt Nam.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Đất nông nghiệp bao gồm: đất trồng cây hàng năm; đất trồng cây lâu năm; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối; đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi; vùng đất là nơi sinh sống cho quần thể động vật bản địa và di trú; thảm thực vật bản địa; đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ.
1.3.2. Đất lâm nghiệp gồm: đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất dùng cho phát triển lâm nghiệp, được sử dụng chủ yếu để trồng rừng và trồng các lâm sản khác.
1.3.3. Đất dân sinh gồm: đất sử dụng chủ yếu cho hoạt động xây dựng khu dân cư, trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng khu vui chơi, giải trí công cộng.
1.3.4. Đất công nghiệp gồm: đất sử dụng chủ yếu cho hoạt động xây dựng công trình, hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng hạ tầng giao thông, bến cảng.
1.3.5. Đất thương mại, dịch vụ gồm: đất sử dụng chủ yếu cho hoạt động xây dựng công trình thương mại, dịch vụ và hạ tầng khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ; đất xây dựng công trình thủy lợi.
1.3.6. Tầng đất mặt: là lớp đất trên bề mặt, có thể sâu đến 30 cm.
- QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Giới hạn tối đa hàm lượng tổng số của một số kim loại nặng trong tầng đất mặt được quy định tại Bảng 1.
Bảng 1: Giới hạn tối đa hàm lượng tổng số của một số kim loại nặng trong tầng đất mặt.
Đơn vị tính: mg/kg đất khô
TT
Thông số
Đất nông nghiệp
Đất lâm nghiệp
Đất dân sinh
Đất công nghiệp
Đất thương mại, dịch vụ
1
Asen (As)
15
20
15
25
20
2
Cadimi (Cd)
1,5
3
2
10
5
3
Chì (Pb)
70
100
70
300
200
4
Crom (Cr)
150
200
200
250
250
5
Đồng (Cu)
100
150
100
300
200
6
Kẽm (Zn)
200
200
200
300
300
- PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH
3.1. Phương pháp lấy mẫu và xác định giá trị các thông số kim loại nặng trong đất thực hiện theo các tiêu chuẩn sau đây:
TT
Thông số
Phương pháp phân tích, số hiệu tiêu chuẩn
1
Lấy mẫu
– TCVN 5297:1995 – Chất lượng đất – Lấy mẫu – Yêu cầu chung;
– TCVN 7538-2:2005 (ISO 10381-2:2002) – Chất lượng đất – Lấy mẫu Phần 2: Hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu;
– TCVN 6647:2007 (ISO 11464:2006) Chất lượng đất – Xử lý sơ bộ mẫu để phân tích hóa – lý.
2
Xử lý mẫu
– EPA 3051A – Kỹ thuật phá mẫu bằng lò vi sóng;
– TCVN 6649:2000 (ISO 11466:1995) – Chất lượng đất – Chiết các nguyên tố vết tan trong cường thủy;
3
Asen (As)
– TCVN 8467:2010 (ISO 20280:2007) – Chất lượng đất – Xác định asen, antimon và selen trong dịch chiết đất cường thủy bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử theo kỹ thuật nhiệt điện hoặc tạo hydrua.
4
Cadimi (Cd)
– TCVN 6496:2009 – Chất lượng đất – Xác định crom, cadimi, coban, đồng, chì, mangan, niken, kẽm trong dịch chiết đất bằng cường thủy. Các phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa và không ngọn lửa.
– TCVN 8246:2009 (EPA Method 7000B) – Chất lượng đất – Xác định kim loại bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa.
5
Chì (Pb)
6
Crom (Cr)
7
Đồng (Cu)
8
Kẽm (Zn)
3.2. Chấp nhận các phương pháp phân tích hướng dẫn trong các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế khác có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các tiêu chuẩn viện dẫn ở mục 3.1.
- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
4.1. Quy chuẩn này áp dụng thay thế QCVN 03:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4.2. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn này.
4.3. Trường hợp các tiêu chuẩn về phương pháp phân tích viện dẫn trong quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản mới.
Thông tư 64/2015/TT-BTNMT Quy chuẩn về giới hạn cho phép kim loại nặng trong đất giúp các cá nhân tổ chức thực hiện theo đúng quy định, mang lại hiệu quả chất lượng tốt.
Tài Nguyên - Tags: Thông Tư 64/2015/TT-BTNMT