Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013

Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 đầy đủ nhất sẽ được chia sẻ trong bài viết này! Quyết định nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Nếu các bạn quan tâm thì đừng bỏ lỡ nhé!

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 
——————-
Số: 315/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————–
Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2011
 
 
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011 – 2013
—————————
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
 
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 với các nội dung sau:
1. Mục đích
Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
2. Mức hỗ trợ của Nhà nước và đối tượng được hỗ trợ
a) Hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
b) Hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
c) Hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
d) Hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
3. Nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ
a) Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương.
b) Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% còn lại.
c) Ngân sách địa phương tự đảm bảo đối với các địa phương còn lại.
4. Điều kiện được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có đối tượng được bảo hiểm theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định này.
b) Có quyền lợi được bảo hiểm.
c) Tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và đóng phí bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình.
d) Thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, phòng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Đối tượng được bảo hiểm và khu vực thực hiện thí điểm
a) Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.
b) Thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội.
c) Thực hiện bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
6. Mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai thí điểm toàn bộ địa bàn hoặc trên một số huyện, xã tiêu biểu, theo nguyên tắc lựa chọn sau:
a) Các địa phương sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, mang tính đại diện trên địa bàn tỉnh, thành phố.
b) Đảm bảo cân đối giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh, thành phố để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thực hiện thí điểm.
c) Đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít.
d) Phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước.
7. Rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm
a) Thiên tai, như: bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các loại rủi ro thiên tai khác.
b) Dịch bệnh, như: dịch cúm, dịch tai xanh, bệnh lở mồm, long móng, bệnh thủy sản, dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá và các loại dịch bệnh khác.
c) Căn cứ bồi thường:
Thực hiện bồi thường bảo hiểm theo quy định hiện hành hoặc bồi thường dựa trên chỉ số thời tiết, dịch bệnh, sản lượng có liên quan với thiệt hại.
8. Điều kiện triển khai thí điểm của các doanh nghiệp bảo hiểm
Các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.
b) Đáp ứng khả năng thanh toán theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
c) Có hệ thống công ty, chi nhánh, văn phòng giao dịch tại địa bàn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
d) Có đội ngũ nhân viên làm bảo hiểm nông nghiệp.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Quyết định các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Quyết định này.
b) Phê chuẩn quy tắc, biểu phí bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm.
c) Hướng dẫn cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và thực hiện hỗ trợ (nếu có) theo thẩm quyền.
d) Quy định hồ sơ, thủ tục và quy trình hỗ trợ thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, địa bàn được hỗ trợ.
đ) Cấp kinh phí hỗ trợ thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương và hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chính sách hỗ trợ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
e) Thực hiện kiểm tra, giám sát viêc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định này.
g) Hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Tổng kết, đánh giá kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu quý 4 năm 2013.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn cụ thể các loại thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Quyết định này.
b) Phối hợp với Bộ Tài chính: quy định hồ sơ, thủ tục và quy trình hỗ trợ, bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, địa bàn được hỗ trợ; phê chuẩn quy tắc, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm.
c) Ban hành các tiêu chí về quy mô trồng lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
d) Ban hành các tiêu chuẩn trồng lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
đ) Hàng quý báo cáo đánh giá tình hình thực hiện theo phạm vi trách nhiệm của Bộ và đề xuất các biện pháp triển khai gửi Bộ Tài chính.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo về bảo hiểm nông nghiệp tại địa phương do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban.
b) Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; cấp kinh phí hỗ trợ (từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); kiểm tra, giám sát việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại địa bàn.
c) Phối hợp với Bộ Tài chính: quy định hồ sơ, thủ tục và quy trình hỗ trợ, bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, địa bàn được hỗ trợ; phê chuẩn quy tắc, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm.
d) Hàng quý báo cáo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất các biện pháp triển khai gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có trách nhiệm:
a) Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Quyết định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp tại địa bàn được hỗ trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở rộng kênh phân phối, hệ thống giao dịch, phục vụ tốt đối tượng được hỗ trợ tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo đúng quy định.
c) Hàng quý báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất các biện pháp triển khai gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
5. Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam có trách nhiệm nhận tái bảo hiểm nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến hết năm 2013.
2. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 
Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KTTH (5b)
THỦ TƯỚNG 

Nguyễn Tấn Dũng

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến các bạn Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013. Hy vọng các bạn sẽ hài lòng với bài viết này của chúng tôi. Theo dõi và đừng quên chia sẻ ngay bài viết đến mọi người xung quanh nhé!

Bảo Hiểm - Tags: