Quyết Định 1407/QĐ-TCHQ 2019 quy trình nghiệp vụ kiểm tra phóng xạ đối với hàng hóa

Quyết định 1407/QĐ-TCHQ 2019 quy trình nghiệp vụ kiểm tra phóng xạ đối với hàng hóa nhằm hướng dẫn công chức tiến hành các bước trong nghiệp vụ kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế. Thực hiện các hoạt động vận hành hệ thống phát hiện phóng xạ, phát hiện và ngăn chặn việc vận chuyển chất phóng xạ trái phép qua cửa khẩu.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
——-

Số: 1407/QĐ-TCHQ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KIỂM TRA PHÓNG XẠ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, QUÁ CẢNH, TRUNG CHUYỂN VẬN CHUYỂN BẰNG CONTAINER TẠI CÁC CỬA KHẨU CẢNG BIỂN QUỐC TẾ; NGƯỜI/HÀNH LÝ NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH (BAO GỒM HÀNH LÝ THẤT LẠC, TỪ BỎ, BỎ QUÊN) TẠI CÁC CỬA KHẨU SÂN BAY QUỐC TẾ

———————-

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

 

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Năng lượng nguyên tử;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 29/7/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý trong việc kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại các cửa khẩu;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình nghiệp vụ kiểm tra phóng xạ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển bằng container tại các cửa khẩu cảng biển quốc tế; người nhập cảnh/hành lý quá cảnh (bao gồm hành lý thất lạc, từ bỏ, bỏ quên) tại các cửa khẩu sân bay quốc tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 2353/QĐ-TCHQ ngày 08/8/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Điều 3. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về Hải quan) để có hướng dẫn./.

 

Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– TT Vũ Thị Mai (thay báo cáo);
– Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (để phối hợp);
– Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

Mai Xuân Thành

QUY TRÌNH

HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ KIỂM TRA PHÓNG XẠ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, QUÁ CẢNH, TRUNG CHUYỂN BẰNG CONTAINER TẠI CÁC CỬA KHẨU CẢNG BIỂN QUỐC TẾ; NGƯỜI/HÀNH LÝ NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH (BAO GỒM HÀNH LÝ THẤT LẠC, TỪ BỎ, BỎ QUÊN) TẠI CÁC CỬA KHẨU SÂN BAY QUỐC TẾ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1407/QĐ-TCHQ ngày 15/5/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Phần I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển bằng container đi qua vị trí đã lắp đặt cổng phát hiện phóng xạ tại các cảng biển quốc tế;

b) Hành lý, hàng hóa và người nhập cảnh (bao gồm hành lý thất lạc, từ bỏ, bỏ quên) tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế được trang bị hệ thống kiểm tra, phát hiện phóng xạ.

2. Đối tượng áp dụng: Công chức hải quan.

Điều 2: Mục đích

1. Hướng dẫn công chức tiến hành các bước trong nghiệp vụ kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế.

2. Thực hiện các hoạt động vận hành hệ thống phát hiện phóng xạ, phát hiện và ngăn chặn việc vận chuyển chất phóng xạ trái phép qua cửa khẩu.

Điều 3: Giải thích từ ngữ:

1. Cổng phát hiện phóng xạ (RPM): Là thiết bị có khả năng phát hiện và kích hoạt báo động khi có vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ đi qua.

2. Trạm cảnh báo trung tâm (CAS): Là phòng có các trang thiết bị phù hợp được đặt gần nơi có hệ thống các cổng phát hiện phóng xạ và trực tiếp thu nhận dữ liệu từ hệ thống này. Cán bộ vận hành trạm CAS là những người thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực cảng, tiến hành công tác vận hành các máy RPM hoặc hệ thống phát hiện di động.

3. Thiết bị ghi đo phóng xạ cá nhân (PRD): Là thiết bị cầm tay, kích thước nhỏ, được trang bị cho các cán bộ đang làm nhiệm vụ, có khả năng phát hiện, cảnh báo khi có bức xạ ion hóa. Cán bộ vận hành sử dụng thiết bị PRD để xác định vùng an toàn cá nhân trước khi tiến hành kiểm tra thứ cấp.

4. Thiết bị nhận dạng đồng vị phóng xạ (RIID): Là thiết bị cầm tay có khả năng xác định được loại đồng vị phóng xạ hoặc tập hợp các đồng vị phóng xạ có trong đối tượng kiểm tra. Thiết bị RIID có thể bao gồm IdentiFINDER, RadSeeker, Mico Detective…

5. Máy đọc mức phóng xạ (SURVEY METER): Là thiết bị cầm tay, thường được cán bộ vận hành sử dụng để xác định vị trí có nguồn phóng xạ.

6. Nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát (MORC): Là chất phóng xạ hoặc vật liệu hạt nhân được tàng trữ, vận chuyển hoặc sử dụng nhưng không được cấp giấy phép hoặc không có trong hệ thống thông tin khai báo của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

7. NORM (Naturally Occurring Radioactive Materials): Là vật liệu phóng xạ có nguồn gốc trong tự nhiên.

8. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cục ATBXHN) – Bộ Khoa học Công nghệ: Là cơ quan phối hợp, xử lý trong trường hợp yêu cầu liên quan đến chất phóng xạ hoặc vật liệu hạt nhân.

9. SIS (Secondary inspection station): Khu vực kiểm tra thứ cấp.

10. Cán bộ vận hành: Là công chức hải quan được phân công nhiệm vụ sử dụng thiết bị phát hiện phóng xạ tại cửa khẩu.

11. Kiểm tra sơ cấp: Là bước kiểm tra ban đầu qua hệ thống RPM hoặc thiết bị ghi đo bức xạ cầm tay.

12. Kiểm tra thứ cấp: Là bước kiểm tra lần hai sau bước kiểm tra sơ cấp, nhằm mục đích xác định cảnh báo phóng xạ là hợp pháp hay bất hợp pháp.

13. Cảnh báo phóng xạ: Là tín hiệu về chất phóng xạ được ghi nhận bởi thiết bị kiểm tra, phát hiện phóng xạ.

14 Định vị nguồn phóng xạ: Là quy trình tìm kiếm vị trí phát ra tín hiệu bức xạ cao thông qua việc dò tìm hoặc kiểm tra.

15. Nhận diện phóng xạ: Là quy trình xác định nguồn gốc, tính chất hoặc đồng vị của nguồn phóng xạ.

16. Khu vực cách ly: Là khu vực lưu giữ container, người/hành lý trong khi chờ ý kiến xử lý của Cục ATBXHN.

17. Đồng vị phóng xạ hợp pháp: Là đồng vị của chất phóng xạ thuộc dạng NORM và nguồn phóng xạ được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép.

18. Đồng vị phóng xạ không hợp pháp: Là đồng vị của chất phóng xạ thuộc dạng NORM nhưng không phù hợp với thông tin hàng hóa và nguồn phóng xạ không được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép.

Điều 4: Một số hướng dẫn chung

1. Việc kiểm tra, phát hiện phóng xạ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và trung chuyển bằng container; người/hành lý nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện ngay tại vị trí đặt hệ thống kiểm tra, phát hiện phóng xạ; ngoài việc kiểm tra phóng xạ theo quy định tại quyết định này, các container chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển và người/hành lý nhập cảnh, quá cảnh luân chuyển trong địa bàn cảng còn phải chịu sự kiểm tra, giám sát và thủ tục hải quan theo quy định hiện hành.

Trường hợp cơ quan hải quan có thông tin hàng hóa chứa chất phóng xạ thì trao đổi thông tin với đơn vị kinh doanh cảng để điều chỉnh hàng hóa đi vào khu vực lắp đặt cổng phát hiện phóng xạ và thực hiện theo quy định tại quy trình ban hành kèm Quyết định này.

2. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quản lý cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế được trang bị hệ thống kiểm tra, phát hiện phóng xạ phối hợp với Công ty quản lý Cảng bố trí khu vực kiểm tra thứ cấp, khu vực cách ly và xây dựng quy chế phối hợp trong việc thực hiện quá trình kiểm tra, phát hiện phóng xạ.

Công chức hải quan có trách nhiệm phối hợp với nhân viên điều độ cảng yêu cầu vận tốc các xe chở container khi đi qua cổng phát hiện phóng xạ không được vượt quá 8km/giờ, các xe cách nhau tối thiểu 10m.

3. Nguyên tắc hoạt động của thiết bị:

– Cổng phát hiện phóng xạ (RPM): Thời gian hoạt động thực hiện theo ca làm việc, vận hành 24/7. Hết ca, công chức vào sổ theo dõi hoạt động của hệ thống, bàn giao công việc cho ca sau theo mẫu biểu số 1 ban hành kèm theo Quyết định này.

– Trạm cảnh báo trung tâm (CAS): Công chức vận hành thực hiện và xử lý các cảnh báo theo thứ tự ưu tiên sau:

+ Ưu tiên thứ nhất: Báo động tia Neutron/Gamma;

+ Ưu tiên thứ hai: báo động tia Neutron;

+ Ưu tiên thứ ba: báo động tia Gamma.

– Trường hợp thiết bị X-Ray đặt cạnh khu kiểm tra thứ cấp thì khi thực hiện kiểm tra thứ cấp không thực hiện hoạt động soi chiếu đối với thiết bị X-Ray.

4. Trường hợp hệ thống có sự cố không hoạt động được thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển bằng container; người/hành lý nhập cảnh, quá cảnh không phải chịu sự kiểm tra.

5. Hình ảnh và dữ liệu cảnh báo được lưu trữ trên hệ thống tối thiểu 12 tháng, trường hợp bộ nhớ hệ thống không đủ dung lượng lưu trữ thì tiến hành sao chép dữ liệu lưu trữ trên ổ cứng ngoài hoặc đĩa CD, DVD.

Trường hợp cảnh báo phóng xạ thực hiện kiểm tra thứ cấp thì hồ sơ kiểm tra phải được lập trên thiết bị chủ CAS và lưu trữ theo quy định.

6. Công chức vận hành trạm kiểm tra thứ cấp phải đeo thiết bị ghi đo phóng xạ cá nhân (PRD) trong suốt ca làm việc để xác định vùng an toàn cá nhân.

7. Đầu ca trực công chức thực hiện các công việc sau:

7.1. Công việc của Công chức hải quan vận hành trạm CAS: Nghe báo cáo trực tiếp hoặc sổ bàn giao từ cán bộ ca trực trước về tình trạng máy móc, thiết bị và các cảnh báo của toàn bộ hệ thống. Trong trường hợp có trục trặc, hỏng hóc cần ghi vào sổ bàn giao ca.

7.2. Công việc của công chức trạm kiểm tra thứ cấp: Kiểm tra tình trạng pin của toàn bộ các thiết bị phát hiện phóng xạ cầm tay được trang bị và kiểm tra chức năng máy (ví dụ máy PRD, máy đọc mức phóng xạ, máy RIID, IDENTIFINDER, RADSEEKER…).

Điều 5. Các trường hợp cần yêu cầu phối hợp với Cục ATBXHN

1. Phát hiện phóng xạ Neutron;

2. Mức độ phóng xạ cao bất thường;

3. Thiết bị RIID xác định có vật liệu hạt nhân đặc biệt;

4. Thiết bị RIID xác định nguồn phóng xạ nhưng khi kiểm tra không thuộc danh mục Cục ATBXHN cấp giấy phép;

5. Cảnh báo vẫn chưa được xử lý và tiếp tục có nghi vấn sau khi kiểm tra thứ cấp;

6. Phát hiện phóng xạ trong trường hợp hệ thống gặp sự cố.

 

Phần II. TRÌNH TỰ KIỂM TRA PHÓNG XẠ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, QUÁ CẢNH, TRUNG CHUYỂN BẰNG CONTAINER TẠI CÁC CẢNG BIỂN QUỐC TẾ

 

Điều 6. Kiểm tra sơ cấp khi Hệ thống có cảnh báo phóng xạ

1. Trường hợp hệ thống phát cảnh báo neutron hoặc cảnh báo hỗn hợp neutron/gamma:

Bước 1. Công chức hải quan vận hành trạm CAS kiểm tra hình ảnh camera để xác định biển kiểm soát của phương tiện vận tải, số container chứa lô hàng gây ra cảnh báo.

Trường hợp chưa xác định được biển kiểm soát của phương tiện vận tải, số container thì liên hệ với nhân viên điều hành cổng cảng để xác định, tìm kiếm.

Bước 2. Công chức hải quan vận hành trạm CAS phối hợp với nhân viên điều hành cổng cảng yêu cầu phương tiện đi vào một làn RPM khác được chỉ định. Khi phương tiện đã đi qua làn RPM lần 2 sẽ xảy ra 03 trường hợp thì thực hiện như sau:

– Trường hợp hệ thống tiếp tục phát ra cảnh báo neutron hoặc cảnh báo hỗn hợp neutron/gamma: Công chức hải quan vận hành trạm CAS phối hợp với nhân viên điều hành cổng cảng để yêu cầu phương tiện đi vào khu vực cách ly, thiết lập vùng an toàn phóng xạ, sau đó báo cáo Chi cục trưởng để thông báo cho Cục ATBXHN.

– Trường hợp hệ thống chỉ còn phát ra cảnh báo gamma: Thực hiện như khoản 2 Điều này.

– Trường hợp hệ thống không còn phát cảnh báo: Công chức hải quan vận hành trạm CAS phối hợp với nhân viên điều hành cổng cảng để giải phóng xe, lưu hồ sơ trên hệ thống CAS và đóng cảnh báo.

2. Trường hợp hệ thống phát cảnh báo gamma:

Bước 1. Công chức hải quan vận hành trạm CAS kiểm tra hình ảnh camera để xác định biển kiểm soát của phương tiện vận tải, số container chứa lô hàng gây ra cảnh báo

Trường hợp chưa xác định được biển kiểm soát của phương tiện vận tải, số container thì liên hệ với nhân viên điều hành cổng cảng để xác định, tìm kiếm.

Bước 2. Công chức hải quan vận hành trạm CAS kiểm tra thông tin hàng hóa để xác định cảnh báo là dạng NORM hay là dạng phóng xạ khác.

Trường hợp tại thời điểm cảnh báo chưa có đầy đủ thông tin về hàng hóa thì phối hợp với nhân viên điều hành cổng cảng yêu cầu giải phóng xe, cho xe qua khu vực cổng cảng nhưng chưa cho hạ bãi hoặc phải tập trung tại khu vực chỉ định để chờ xác minh thông tin hàng hóa.

– Xử lý đối với hàng hóa là NORM: Công chức hải quan vận hành trạm CAS xem xét sự phù hợp của tín hiệu cảnh báo và thông tin hàng hóa. Nếu phù hợp thì giải phóng xe, hàng hóa, lưu hồ sơ trên hệ thống CAS và đóng cảnh báo.

– Xử lý đối với hàng hóa không phải dạng NORM: Công chức hải quan trạm CAS phối hợp với nhân viên điều hành cổng cảng yêu cầu xe di chuyển về địa điểm kiểm tra thứ cấp, đồng thời thông báo cho bộ phận kiểm tra thứ cấp, thực hiện các bước tại Điều 7.

Điều 7. Kiểm tra thứ cấp

1. Công chức phụ trách việc kiểm tra thứ cấp thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Kiểm tra thông tin cảnh báo có trong biểu đồ dữ liệu cảnh báo và thông tin hàng hóa do cán bộ trạm CAS cung cấp.

Bước 2. Chuẩn bị thiết bị kiểm tra cầm tay, trong đó gồm máy PRD cho mỗi cá nhân, máy đọc phóng xạ SURVEY METER, RIID và các thiết bị bảo hộ khác để đảm bảo an toàn cho công chức hải quan khi tiến hành kiểm tra xác định phóng xạ.

Bước 3. Sử dụng máy PRD đầu tiên để kiểm tra mức bức xạ khi tiếp cận phương tiện.

2. Trường hợp máy PRD báo trên mức “8”: Lập khu vực cách ly

– Nếu tại thời điểm bất kỳ hoặc trong lúc kiểm tra thứ cấp, máy PRD cho kết quả đọc là “8” từ khoảng cách 01 mét trở lên, công chức phụ trách kiểm tra thứ cấp phải di chuyển ngay ra khỏi khu vực có nguồn phóng xạ cho đến khi máy PRD chuyển sang số thấp hơn. Ngay sau đó, báo cho cán bộ phụ trách.

– Thiết lập chu vi an toàn xung quanh phương tiện, sử dụng dải băng ngăn cách hoặc dựng rào chắn ở toàn bộ khu vực máy PRD có số đọc dưới “8”, đặt các biển cảnh báo phóng xạ nguy hiểm.

– Liên tục giám sát vùng chu vi an toàn được thiết lập quanh khu vực có nguồn phóng xạ trong lúc tiếp tục thực hiện các bước để tránh bước vào khu vực máy PRD đọc “8”.

Sau khi thiết lập khu vực cách ly, Công chức phụ trách kiểm tra thứ cấp báo cáo Lãnh đạo theo thẩm quyền và thông báo Cục ATBXHN để kiểm tra, phối hợp xử lý.

3. Trường hợp máy PRD báo từ mức “8” trở xuống:

a) Kiểm tra tài xế: Công chức hải quan kiểm tra xác định tài xế gần đây có điều trị y tế liên quan đến y học hạt nhân bằng hình thức hỏi thông tin và kiểm tra bằng thiết bị nhận diện đồng vị phóng xạ để loại trừ nguyên nhân gây cảnh báo.

b) Kiểm tra phương tiện và hàng hóa

b.1) Xác định và đánh dấu vị trí có tín hiệu bức xạ cao nhất của phương tiện (Survey Meter)

b.2) Sử dụng các thiết bị nhận diện đồng vị phóng xạ để xác định đồng vị gây cảnh báo (RIID)

b.3) Nhập thông tin từ thiết bị nhận diện đồng vị phóng xạ vào trạm CAS.

b.4) Đồng vị phóng xạ phát hiện được xử lý như sau:

– Đồng vị phóng xạ hợp pháp: Công chức thực hiện kiểm tra thứ cấp thông báo kết quả cho công chức trực trạm CAS để giải phóng xe, lưu hồ sơ theo mẫu biểu số 2 ban hành kèm theo Quyết định này và đóng cảnh báo.

– Đồng vị phóng xạ không hợp pháp: Công chức thực hiện kiểm tra thứ cấp báo cáo Chi cục trưởng để thông báo cho Cục ATBXHN phối hợp xử lý.

 

Phần III. TRÌNH TỰ KIỂM TRA PHÓNG XẠ ĐỐI VỚI NGƯỜI/HÀNH LÝ NHẬP CẢNH TẠI CÁC CỬA KHẨU CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ (BAO GỒM HÀNH LÝ THẤT LẠC, TỪ BỎ, BỎ QUÊN)

 

Điều 8. Kiểm tra sơ cấp

1. Trường hợp hệ thống phát cảnh báo neutron hoặc cảnh báo hỗn hợp neutron/gamma thì công chức hải quan tại khu vực trang bị hệ thống RPM thực hiện như sau:

Bước 1. Xác định người nhập cảnh/hành lý gây ra cảnh báo.

Bước 2. Yêu cầu người nhập cảnh/hành lý gây ra cảnh báo đi qua cổng RPM khác. Khi đi qua cổng RPM lần 2 xảy ra một trong các trường hợp sau:

– Trường hợp hệ thống tiếp tục phát ra cảnh báo neutron hoặc cảnh báo hỗn hợp neutron/gamma: Đề nghị người nhập cảnh/hành lý đi vào khu vực cách ly, thiết lập vùng an toàn phóng xạ, báo cáo Chi cục trưởng để thông báo cho Cục ATBXHN.

– Trường hợp hệ thống phát ra cảnh báo gamma: Thực hiện như tại điểm 2 Điều này.

– Trường hợp hệ thống không còn phát cảnh báo: Phối hợp công chức hải quan vận hành trạm CAS, giải phóng người nhập cảnh/hành lý.

2. Trường hợp hệ thống phát cảnh báo gamma thì công chức hải quan tại khu vực trang bị hệ thống RPM xác định người nhập cảnh/hành lý gây ra cảnh báo và thực hiện như sau:

a) Trường hợp người nhập cảnh gây ra cảnh báo:

– Người nhập cảnh khai báo có điều trị y tế: Xem xét các chứng từ có xác nhận của bệnh viện xác nhận điều trị bằng thuốc phóng xạ và sự phù hợp các thông tin cung cấp. Nếu phù hợp thì giải phóng người nhập cảnh, thông báo cho Công chức hải quan vận hành trạm CAS để lưu hồ sơ theo mẫu biểu số 3 ban hành kèm theo Quyết định này và đóng cảnh báo.

– Người nhập cảnh khai báo không có điều trị y tế: Yêu cầu người nhập cảnh/hành lý di chuyển về địa điểm kiểm tra thứ cấp.

b) Trường hợp hành lý gây ra cảnh báo: Yêu cầu người nhập cảnh di chuyển hành lý về địa điểm kiểm tra thứ cấp.

Thông báo cho bộ phận kiểm tra thứ cấp về người nhập cảnh/hành lý gây ra cảnh báo.

Điều 9. Kiểm tra thứ cấp

1. Công chức phụ trách việc kiểm tra thứ cấp thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Tiếp nhận thông tin cảnh báo có trong biểu đồ dữ liệu cảnh báo và thông tin người/hành lý do cán bộ trạm CAS cung cấp.

Bước 2. Chuẩn bị thiết bị kiểm tra cầm tay, trong đó gồm thiết ghi đo bức xạ cá nhân (PRD), thiết bị nhận diện đồng vị phóng xạ (RIID) và các thiết bị bảo hộ khác để đảm bảo an toàn cho công chức hải quan khi tiến hành kiểm tra xác định phóng xạ.

Bước 3. Sử dụng PRD kiểm tra mức bức xạ và xử lý như sau:

a) Trường PRD báo giá trị suất liều cao hơn 100 mSv/h:

– Trong lúc kiểm tra thứ cấp, thiết bị ghi đo bức xạ cho kết quả đọc lớn hơn hoặc bằng “100 mSv/h” thì công chứng thực hiện kiểm tra thứ cấp phải di chuyển ra xa khỏi khu vực kiểm tra thứ cấp hơn 01 mét.

– Cách ly toàn phòng kiểm tra và báo cáo Chi cục trưởng để thông báo Cục ATXBHN phối hợp xử lý.

b) Trường hợp PRD báo giá trị suất liều nhỏ hơn 100 mSv/h:

Công chức hải quan kiểm tra thứ cấp sử dụng thiết bị nhận diện đồng vị phóng xạ (RIID)

b.1) Trường hợp người nhập cảnh gây ra cảnh báo:

– Trường hợp phát hiện đồng vị y tế: Lưu hồ sơ theo mẫu biểu số 3 ban hành kèm theo Quyết định này và giải phóng người nhập cảnh, đóng cảnh báo.

– Trường hợp không phải đồng vị y tế: Báo cáo Chi cục trưởng thông báo Cục ATBXHN phối hợp xử lý

b.2) Trường hợp hành lý gây ra cảnh báo:

– Trường hợp kết quả đồng vị phóng xạ thuộc dạng NORM: Giải phóng hành lý, thông báo kết quả cho công chức trực trạm CAS để lưu hồ sơ theo mẫu biểu số 3 ban hành kèm theo Quyết định này và đóng cảnh báo.

– Trường hợp kết quả đồng vị phóng xạ không thuộc dạng NORM: Báo cáo Chi cục trưởng thông báo cho Cục ATBXHN để phối hợp xử lý.

 

Phần IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 10. Trách nhiệm của Cục trưởng cục Hải quan

1. Phối hợp với đơn vị quản lý cảng biển, cảng hàng không để thực hiện Quy trình nghiệp vụ kiểm tra phóng xạ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển bằng Container tại các cửa khẩu cảng biển quốc tế; hành lý và người nhập cảnh tại các cửa khẩu sân bay quốc tế.

2. Giao Chi cục trưởng Chi cục quản lý cảng phân công, chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện nhiệm vụ của công chức đối với từng vị trí công việc thuộc thẩm quyền theo Quy trình này.

3. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan:

3.1. Liên hệ với Cục ATBXHN để được hỗ trợ nghiệp vụ và phối hợp ứng phó sự cố trong các trường hợp quy định tại Điều 7, Điều 9 theo Quy trình này.

3.2. Báo cáo với Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, khắc phục sự cố xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống kiểm tra phóng xạ khi cần thiết.

3.3. Định kỳ mỗi quý, ngày 10 tháng đầu tiên của quý, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả hoạt động về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về Hải quan) theo quy định.

3.4. Định kỳ hàng năm, phối hợp với Cục ATBXHN tổ chức đào tạo nghiệp vụ và diễn tập xử lý các tình huống phát hiện chất phóng xạ tại cửa khẩu.

Điều 11. Trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan

1. Bố trí, phân công công chức triển khai từng vị trí theo quy định tại Quyết định này; xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền; báo cáo kịp thời các vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, đề xuất xử lý, khắc phục sự cố xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống kiểm tra phóng xạ với Chi cục trưởng Cục.

2. Kịp thời báo cáo với Cục trưởng việc giám sát container/hành lý/người dựa theo kết quả kiểm tra thứ cấp đã hoàn thành hoặc có nghi ngờ vận chuyển vật liệu hạt nhân bất hợp pháp.

3. Định kỳ mỗi quý, ngày 05 tháng đầu tiên của Quý, Chi cục có trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Cục tình hình và kết quả hoạt động kiểm tra.

Điều 12. Trách nhiệm của công chức hải quan

1. Thực hiện theo đúng và đầy đủ các bước hướng dẫn tại Quy trình vận hành tiêu chuẩn và các công việc quy định tại Quy trình này.

2. Trong quá trình sử dụng hệ thống kiểm tra phóng xạ, nếu có sự cố kỹ thuật, hư hỏng xảy ra, công chức được giao nhiệm vụ phải kịp thời báo cáo Chi cục trưởng.

 

Biểu số 1

SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG KIỂM TRA PHÓNG XẠ

(Theo ca/ngày làm việc)

Cục Hi quan:

Chi cục Hi quan:

Sổ mở ngày:

Kết thúc ngày:

Ngày/tháng/năm

Ca làm việc

Tình trạng hệ thống lúc đầu ca

Các báo động chưa hoặc đang xử lý

Sự cố xảy ra của hệ thống (nếu có)

Vụ việc phát sinh về nghiệp vụ soi chiếu

Họ và tên công chức trực hệ thống

Ký, đóng dấu công chức trực hệ thống

Hiện tượng, sự cố

Biện pháp khắc phục

Kết quả

Đề xuất, kiến nghị

 

 

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

1. Sổ nhật ký có thể được lập trên máy tính, định kỳ tuần/tháng in ra, ký đóng dấu, đóng quyển để lưu cùng hệ thống.

2. Cột (3) công chức ghi tình trạng hệ thống bình thường hoặc có sự cố.

3. Cột (4) công chức ghi tóm tắt các báo động chưa hoặc đang xử lý tại ca trực chuyển cho ca sau tiếp tục theo dõi, xử lý.

4. Định kỳ, đột xuất Lãnh đạo Đội, Lãnh đạo Chi cục phải kiểm tra sổ nhật ký; chủ động, chấn chỉnh, xử lý việc liên quan.

5. Định kỳ hàng quý trên cơ sở sổ nhật ký, Chi cục có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Cục về tình hình, kết quả hoạt động soi chiếu; Cục tổng hợp báo cáo Tổng cục (Cục Giám sát quản lý).

 

Biểu số 2

HỒ SƠ VỤ VIỆC CẢNH BÁO PHÓNG XẠ – CỬA KHẨU CẢNG BIỂN QUỐC TẾ

 

Cục Hải quan:

Chi Cục Hải quan:

I. THÔNG TIN CẢNH BÁO PHÓNG XẠ

1. Mã số vụ việc:

Làn RPM cảnh báo:                                     Ngày:                     Giờ:

2. Nội dung vụ việc:

□ Cảnh báo gamma

□ Cảnh báo neutron                                     □ Cảnh báo hỗn hợp gamma/ neutron

3. Thông tin hàng hóa/ phương tiện gây cảnh báo

Số container:

Số vận tải đơn (nếu có):                              Tên tàu (nếu có):

Tên hàng khai báo trên tờ khai Manifest:

II. XỬ LÝ SƠ CẤP

1. Trường hợp cảnh báo neutron, cảnh báo hn hợp

Đưa qua lần 2 làn RPM số:                          Ngày:                     Giờ:

Kết quả: □ Có cảnh báo neutron/ cảnh báo hỗn hợp                   □ Không có cảnh báo

              □ Chỉ có cảnh báo gamma

Đề xuất:    □ Giải phóng – Đóng vụ việc

                □ Cách ly – Khoanh vùng

                □ Yêu cầu hỗ trợ Cục ATBXHN.

2. Trường hợp cảnh báo gamma

Đưa qua lần 2 làn RPM số (nếu có):             Ngày:                     Giờ:

Kiểm tra thông tin tờ khai hàng hóa:

Loại hàng hóa:

Cảnh báo phù hợp với thông tin hàng hóa:   □ có                       □ không

Đề xuất:    □ Giải phóng – Đóng vụ việc

                □ Cách ly – Khoanh vùng

                □ Yêu cầu kiểm tra thứ cấp

III. KIỂM TRA THỨ CẤP

1. Kiểm tra suất liều

Thiết bị đo suất liều:                                Model/Serial:

Hệ số chuẩn/Hạn chuẩn:

Suất liều phông tự nhiên khu vực:            mSv/giờ

Suất liều lớn nhất cách container 1m:       mSv/giờ

2. Định vị vị trí nguồn phát tín hiệu bức xạ

Mô tả vị trí nguồn phát tín hiệu bức xạ:

3. Nhận diện đồng vị phóng xạ

Thiết bị nhận diện:                                   Model/Serial:

Hệ số chuẩn/Hạn chuẩn:

Kết quả nhận diện:

□ Có – Loại đồng vị nhận diện/ độ tin cậy kết quả:

□ Không

4. Đề xuất

□ Giải phóng – Đóng vụ việc

□ Cách ly – Khoanh vùng

□ Yêu cầu hỗ trợ Cục ATBXHN.

VI. KẾT LUẬN

 

CÁN BỘ XỬ LÝ

 

CÁN BỘ PHỤ TRÁCH

LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ

 

Biểu số 3

HỒ SƠ VỤ VIỆC CẢNH BÁO PHÓNG XẠ – CỬA KHẨU SÂN BAY QUỐC TẾ

 

Cục Hi quan:

Chi Cục Hải quan:

I. THÔNG TIN CẢNH BÁO PHÓNG XẠ

1. Mã số vụ việc:

Cổng RPM cảnh báo:                                  Ngày:               Giờ:

2. Nội dung vụ việc:

□ Cảnh báo gamma

□ Cảnh báo neutron                                     □ Cảnh báo hỗn hợp

3. Thông tin đối tượng gây cảnh báo

Họ và tên:                                                   Số hộ chiếu:

Số chuyến bay:

Số kiện hành lý kèm theo:

Số thẻ hành lý (nếu có):

II. XỬ LÝ SƠ CẤP

1. Trường hợp cảnh báo neutron, cảnh báo hỗn hợp

Đưa qua lần 2 cổng RPM số:

Kết quả: □ Có báo động                              □ Không có báo động

Đề xuất:            □ Giải phóng – Đóng vụ việc

                        □ Cách ly – Khoanh vùng

                        □ Yêu cầu hỗ trợ Cục ATBXHN.

2.. Trường hợp cảnh báo gamma

Đưa qua lần 2 cổng RPM số:

Kết quả: □ Có báo động                              □ Không có báo động

Đề xuất:            □ Giải phóng – Đóng vụ việc

                        □ Cách ly – Khoanh vùng

                        □ Yêu cầu kiểm tra thứ cấp

III. KIỂM TRA THỨ CẤP

1. Kiểm tra suất liều

Thiết bị đo suất liều:                                    Model/Serial:

Hệ số chuẩn/Hạn chuẩn:

Suất liều phông tự nhiên khu vực:                mSv/giờ

Suất liều lớn nhất cách đối tượng 1 m:         mSv/giờ

2. Định vị vị trí nguồn phát bức xạ

Mô tả vị trí nguồn phát bức xạ:

□ Trên người người

□ Trên kiện hành lý (số thẻ hành lý, nếu có):

□ Khác:

3. Nhận diện đồng vị phóng xạ

Thiết bị nhận diện:                                       Model/Serial:

Hệ số chuẩn/Hạn chuẩn:

Kết quả nhận diện:

□ Có, Loại đồng vị nhận diện/Độ tin cậy kết quả:

□ Không

4. Đề xuất

□ Giải phóng – Đóng vụ việc

□ Cách ly – Khoanh vùng

□ Yêu cầu hỗ trợ Cục ATBXHN.

VI. KẾT LUẬN

CÁN BỘ XỬ LÝ

 

CÁN BỘ PHỤ TRÁCH

LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ

Quyết định 1407/QĐ-TCHQ 2019 quy trình nghiệp vụ kiểm tra phóng xạ đối với hàng hóa áp dụng với cán bộ công chức hải quan. Cùng nhau theo dõi thêm thông tin về hoạt động xuất nhập cảnh trên elead.com.vn nhé.

Xuất Nhập Cảnh - Tags: