Quyết Định 45/2019/QĐ-UBND quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Vĩnh Phúc
Quyết định 45/2019/QĐ-UBND quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Vĩnh Phúc được ban hành năm 2019.Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC Số: 45/2019/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập – Tự do – Hạnh phúc Vĩnh Phúc, ngày 04 tháng 10 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
—————
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013; Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chỉnh phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1569/TTr-SGTVT ngày 20 tháng 8 năm 2019, Văn bản số 1867/SGTVT-KCHT ngày 24 tháng 9 năm 2019 và Báo cáo thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp tại Văn bản số 159/BC-STP ngày 02 tháng 8 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019 và bãi bỏ Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2012 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý đường bộ trong đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: – Như điều 2; – Văn phòng Chính phủ; – Bộ Giao thông vận tải; – Cục kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp; – Thường trực Tỉnh ủy; HĐND tỉnh (B/c); – Đoàn ĐBQH tỉnh; – UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên; – Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; – Website Chính Phủ; – Báo Vĩnh Phúc; Trung tâm công báo tỉnh;- Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh; – Lưu: VT, CN1. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Khước |
UỶ BAN NHÂN DÂNTỈNH VĨNH PHÚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
QUY ĐỊNH
Về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đuờng địa phương
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
(Ban hành kèm theo Quyết định số:45/2019/QĐ-UBND
ngày 04/10/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
—————-
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương, bao gồm: Đặt tên, số hiệu đường địa phương; Quản lý, sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương; Đấu nối đường nhánh vào đường địa phương; Trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Chương II. ĐẶT TÊN, SỐ HIỆU ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG
Điều 3. Đặt tên, số hiệu đường địa phương
1. Nguyên tắc, cách đặt tên, số hiệu đường địa phương theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 40 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Quy định tại các Điều 3, 4 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) và quy định tại các Điều 33, 34 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP (sau đây gọi là Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT).
2. Trường hợp đường đô thị không trùng với quốc lộ đã được HĐND tỉnh đặt tên thì không đặt số hiệu đường bộ. Đối với các tuyến đường địa phương còn lại chỉ đặt tên hoặc số hiệu đường bộ.
3. Số hiệu đường tỉnh được đặt như sau: “ĐT.x”. Trong đó:
– “ĐT” là ký hiệu viết tắt của tên hệ thống đường tỉnh.
– “x” là mã số đường tỉnh theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.
– Đường thuộc hệ thống đường tỉnh Vĩnh Phúc có mã số từ 301 đến 312.
4. Số hiệu đường huyện được đặt như sau: “ĐH.x”. Trong đó:
– “ĐH” là ký hiệu viết tắt của tên hệ thống đường huyện.
– “x” là mã số của huyện, là chữ số tự nhiên được quy định cho các huyện trên địa bàn tỉnh theo bảng dưới đây:
Số TT | Tên đơn vị hành chính | Số hiệu |
1 | Huyện Yên Lạc | 01-10 |
2 | Huyện Vĩnh Tường | 11-20 |
3 | Huyện Tam Dương | 21-30 |
4 | Huyện Bình Xuyên | 31-40 |
5 | Huyện Lập Thạch | 41-50 |
6 | Huyện Sông Lô | 51-60 |
7 | Huyện Tam Đảo | 61-70 |
Trường hợp đường huyện hết số hiệu theo quy định thì sử dụng số hiệu đường huyện theo quy định kèm thêm một chữ cái, lần lượt từ B đến Z để đặt số hiệu.
5. Số hiệu đường đô thị được đặt như sau: “ĐĐT.x”. Trong đó:
– “ĐĐT” là ký hiệu viết tắt của tên hệ thống đường đô thị;
– “x” là số thứ tự của các tuyến đường đô thị thuộc thành phố, phường, thị trấn gồm 2 chữ số tự nhiên từ 01 đến 99.
6. Đối với hệ thống đường xã: UBND cấp huyện thực hiện đặt tên theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại Phụ lục 07 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.
Tên đường xã được đặt như sau: Đường “A”. Trong đó “A” là tên đường được đặt theo địa danh hoặc theo tập quán.
Điều 4. Điều chỉnh và công bố số hiệu đường địa phương
1. Cơ quan có thẩm quyền đặt số hiệu đường địa phương trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và quy định tại các Điều 33, 34 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT thì có thẩm quyền điều chỉnh số hiệu đường địa phương.
2. Cơ quan đặt số hiệu đường địa phương theo quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm công bố rộng rãi số hiệu đường địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chương III. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG
Điều 5. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương
1. Sở Giao thông vận tải tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung trong quản lý, sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương; Tổ chức thực hiện công tác quản lý các tuyến đường tỉnh, đường vành đai đô thị Vĩnh Phúc, các tuyến đường qua địa bàn 02 huyện, thành phố trở lên và thực hiện quản lý các công trình giao thông khác do UBND tỉnh giao.
2. Phân cấp cho UBND các huyện, thành phố (UBND cấp huyện) thực hiện quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn, trừ các tuyến đường đã giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý tại Khoản 1 Điều này.
3. UBND cấp huyện thực hiện quản lý hệ thống đường huyện trên địa bàn; Chịu sự chỉ đạo, thanh kiểm tra chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải; Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện quản lý các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị trên địa bàn.
4. UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) thực hiện quản lý hệ thống đường xã trên địa bàn; Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quản lý các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện trên địa bàn.
5. Hệ thống đường chuyên dùng do chủ đầu tư đường chuyên dùng thực hiện quản lý theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể như sau:
a) Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện quản lý hệ thống đường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
b) Nhà đầu tư khu đô thị, khu nhà ở thực hiện quản lý đối với hệ thống đường trong khu đô thị, khu nhà ở khi chưa được chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 6. Chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương
1. Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng và gia hạn chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng: Công trình thiết yếu, biển quảng cáo tạm thời, công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương là cơ quan được giao quản lý tuyến đường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 5 của Quy định này.
2. Việc chấp thuận, cấp phép thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 Điều 13; Các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 14; Khoản 5 Điều 16; Các khoản 3, 4, 5 Điều 18 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT và các khoản 6, 7 Điều 1 Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.
Chương IV. ĐẤU NỐI ĐƯỜNG NHÁNH VÀO ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG
Điều 7. Đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh
1. Đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh bao gồm:
a) Đường đô thị, đường huyện, đường xã;
b) Đường dẫn ra, vào cửa hàng xăng dầu, đấu nối trực tiếp từ các công trình đơn lẻ;
c) Đường chuyên dùng;
d) Đường gom, đường nối từ đường gom.
2. Đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh phải nằm trong Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Trường hợp, điểm đấu nối không nằm trong quy hoạch thì phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh cho phép bổ sung điểm đấu nối vào đường tỉnh trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải.
3. Đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh trong phạm vi đô thị thực hiện theo quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Thiết kế nút giao của đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về yêu cầu thiết kế đường ô tô, thi công đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn giao thông và không ảnh hưởng đến sự bền vững của kết cấu công trình đường tỉnh đó.
5. Đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh đang khai thác
Sở Giao thông vận tải chỉ chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao; cấp phép thi công đối với các vị trí đấu nối nằm trong quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. UBND cấp huyện có trách nhiệm thống kê các đường nhánh đã đấu nối với đường tỉnh và lập kế hoạch xử lý phù hợp với quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.
6. Đấu nối đường gom vào đường tỉnh
a) Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ hoặc các dự án khác xây dựng dọc đường bộ phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và phải có đường gom nối từ dự án vào các đường nhánh.
b) Trường hợp đặc biệt do điều kiện địa hình, địa vật khó khăn hoặc không đủ quỹ đất, có thể xem xét cho phép một phần đường gom nằm trong hành lang an toàn đường bộ. UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đường gom nằm trong hành lang an toàn đường bộ trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải.
7. Trong trường hợp đặc biệt tại những vị trí đấu nối thuộc đoạn tuyến không đủ điều kiện làm đường gom, UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho phép đấu nối trực tiếp với đường tỉnh trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải. Thiết kế nút giao đấu nối phải có giải pháp mở rộng mặt đường, thiết kế làn chuyển tốc tại khu vực đấu nối và bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu.
8. Đối với công trình nhà ở được xây dựng mới (hoặc các khu dân cư mới)
không được phép đấu nối trực tiếp vào đường tỉnh mà phải thông qua đường nhánh và đường gom theo quy hoạch được phê duyệt.
Điều 8. Chấp thuận, cấp phép thi công nút giao đường nhánh đấu nối vào hệ thống đường địa phương
1. Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép thi công và gia hạn chấp thuận, cấp phép thi công nút giao đường nhánh đấu nối vào hệ thống đường địa phương là cơ quan được giao quản lý tuyến đường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 5 của Quy định này.
2. Việc chấp thuận, cấp phép thi công và gia hạn chấp thuận, cấp phép thi công của nút giao đường nhánh đấu nối vào hệ thống đường địa phương thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 7 Điều 26; Các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 27 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.
3. Việc đấu nối tạm có thời hạn vào hệ thống đường địa phương đang khai thác thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 28 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.
CHƯƠNG V. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương; Tổ chức thực hiện công tác quản lý các tuyến đường được giao tại khoản 1 Điều 5 của Quy định này.
2. Chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
3. Phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch giải tỏa, xử lý các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến đường được giao quản lý; Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương.
4. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
5. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh bố trí kinh phí quản lý bảo trì đường bộ, giải tỏa hành lang đường bộ, phòng chống khắc phục thiên tai, bão lũ xảy ra trên hệ thống đường địa phương.
6. Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 10. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan
1. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về tải trọng, kích thước thành thùng, xếp dỡ hàng hóa của phương tiện cơ giới đường bộ.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương khi thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu đề xuất với UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương; Kiểm tra việc sử dụng ngân sách, quyết toán kinh phí theo đúng nội dung, mục đích và quy định của pháp luật.
4. Sở Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền phù hợp với quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Lấy ý kiến của Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về nội dung đấu nối, xây dựng đường gom, rãnh thoát nước, các công trình thiết yếu trước khi trình duyệt các quy hoạch, dự án xây dựng liên quan đến phạm vi đất dành cho đường bộ.
5. Sở Công thương hướng dẫn việc quy hoạch, xây dựng hệ thống trạm xăng dầu, công trình điện và các cơ sở dịch vụ khác thuộc thẩm quyền quản lý dọc theo đường bộ tuân thủ theo các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Lấy ý kiến của Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về nội dung đấu nối, xây dựng đường gom, rãnh thoát nước, công trình thiết yếu trước khi trình duyệt các quy hoạch, dự án xây dựng liên quan đến phạm vi đất dành cho đường bộ.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong quá trình thẩm định hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Yêu cầu các doanh nghiệp khai thác mở khoáng sản ký cam kết xếp hàng hóa lên xe đúng tải trọng quy định.
7. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng công trình thông tin, truyền thông tuân thủ các quy định của nhà nước và Quy định này.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc; Đài truyền thanh ở cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm đăng tải và thường xuyên phổ biến, tuyên truyền Quy định này; Thông tin rộng rãi, kịp thời các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt và các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 11. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
1. Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường được giao quản lý tại các khoản 2, 3 Điều 5 của Quy định này; Đảm bảo kinh phí bảo trì và đầu tư xây dựng các công trình được giao quản lý; Quản lý việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ, công trình đường bộ theo thẩm quyền.
2. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nâng cao ý thức thực hiện tốt các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
3. Bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, tái lấn chiếm, cưỡng chế giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ; huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khắc phục thiên tai, bão lũ xảy ra trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
4. Chịu trách nhiệm quản lý hành chính trong việc sử dụng hè phố, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn; Có biện pháp chống lấn chiếm hè phố, lòng đường, bảo đảm an toàn giao thông.
5. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 12. Trách nhiệm của UBND cấp xã
1. Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường được giao quản lý quy định tại khoản 4 Điều 5 của Quy định này; Đảm bảo kinh phí bảo trì và đầu tư xây dựng các công trình được giao quản lý; Quản lý việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ theo thẩm quyền.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nâng cao ý thức thực hiện tốt các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
3. Chấp hành sự chỉ đạo của UBND cấp trên và hướng dẫn của các ngành chức năng về công tác bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; Phối hợp với các địa phương khác và các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết vi phạm xảy ra tại các địa bàn giáp ranh; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khắc phục thiên tai, bão lũ xảy ra trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
5. Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng.
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cư trú hoặc hoạt động hai bên đường bộ
1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; Chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Sở Giao thông vận tải, cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương về việc sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ.
2. Phát hiện và thông báo kịp thời đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền hoặc UBND cấp xã các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt trong trường hợp không chấp hành yêu cầu của Nhà thầu bảo trì công trình đường bộ hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật khi tiến hành lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
3. Không tự ý xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà cửa hay bất kỳ công trình nào khác nằm trong hành lang an toàn đường bộ; Không lấn chiếm lề, lòng đường làm nơi họp chợ, để nông, lâm, hải sản, vật liệu xây dựng hoặc làm nơi sản xuất, kinh doanh các dịch vụ khác; Không tự ý tháo dỡ, di chuyển hoặc làm hư hỏng, mất tác dụng của công trình đường bộ.
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương
1. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về chấp thuận điểm đấu nối, chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công theo Quy định này.
2. Tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ trong quá trình thi công theo quy định của pháp luật và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn giao thông do không thực hiện đầy đủ các quy định của giấy phép thi công. Chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của Nhà thầu bảo trì công trình đường bộ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và cơ quan có thẩm quyền khác.
3. Tháo dỡ, di chuyển hoặc cải tạo công trình đúng tiến độ theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền, không yêu cầu bồi thường và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kinh phí liên quan.
Điều 15. Trách nhiệm của Nhà thầu bảo trì công trình đường bộ
1. Thực hiện đầy đủ các quy định tại Điều 30 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT; thường xuyên tuần tra, phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, sử dụng trái phép đất của đường bộ; Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng ngay các hành vi vi phạm, nếu cần thiết, phải áp dụng các biện pháp tạm thời nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ; Phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND cấp huyện, UBND cấp xã kịp thời để xử lý.
2. Phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải và chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa công trình lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ; Báo cáo cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.
3. Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công tác thi công hoàn trả hạng mục công trình đường bộ của chủ đầu tư công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Chương VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Khen thưởng, kỷ luật
1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương được xem xét khen thưởng hoặc bị xử lý vi phạm, kỷ luật theo quy định pháp luật.
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong việc thực hiện Quy định này. Trên cơ sở mức độ hoàn thành nhiệm vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định.
Điều 17. Điều khoản thi hành
1. Các văn bản được dẫn chiếu tại Quy định này nếu có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ các tuyến đường đô thị đang quản lý trên địa bàn thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định này cho UBND thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên thực hiện quản lý.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Khước
Quyết định 45/2019/QĐ-UBND quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Vĩnh Phúc chi tiết nhất được cập nhật trong bài viết trên đây, mời các bạn cùng tham khảo nhé. Thân ái!
Giao Thông - Tags: Quyết Định 45/2019/QĐ-UBNDQuyết định 5887/QĐ-UBND Hà Nội 2019 phê duyệt chỉ giới đường đỏ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Quyết định 47/2018/QĐ-UBND HCM Ngưng hiệu lực một phần Quyết định 23/2018/QĐ-UBND
Quyết định 68/2016/QĐ-UBND An Giang quy định quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Quyết định 1342/QĐ-BGTVT 2019 giao chỉ tiêu dịch vụ công ích thông tin duyên hải năm 2019
Tải ngay quyết định 22/2016/QĐ-UBND phân cấp quản lý đường đô thị tỉnh Vĩnh Long
Quyết Định 4392/2001/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành Tiêu chuẩn Ngành
Quyết Định 45/2019/QĐ-UBND quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Vĩnh Phúc
Quyết định 13/2018/QĐ-UBND Long An Mức giá tối đa sử dụng đường bộ để kinh doanh